Trung Quốc lấn át các bên đòi chủ quyền ở Biển Đông
Vào một thời điểm mà các hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhắm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông thu hút tin tức báo chí và những phản ứng lo lắng của các nước trong khu vực, một số nhà phân tích nói Trung Quốc dường như đang lấn át các đối thủ trong cuộc đua yêu sách chủ quyền ở vùng biển rộng lớn có tính chiến lược này.
|
Kế sách "xoay trục" của Tổng thống Obama chưa ngăn được Trung Quốc bành trướng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
|
Ông William Choong, một học giả kỳ cựu ở Singapore thuộc chương trình Đối thoại Shangri-La về An ninh châu Á-Thái Bình Dương, nêu nhận xét: “Là người sở tại và quan sát sự hiện diện của
Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, tôi chỉ mới thấy vài ánh sáng le lói về sự tái cân bằng (
xoay trục sang Châu Á)”.
Trong nhiều thập niên, Hải quân Mỹ đã bảo vệ những tuyến hàng hải trọng yếu ở Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ vẫn là lực lượng mạnh nhất trên đại dương, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền và bành trướng ở Biển Đông – mà không cần lộ diện các lực lượng quân sự chính thức.
Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép ít nhất 1.170 hecta đất ở Biển Đông…trên các bãi san hô, bãi cạn và đảo nhỏ.
Trong tuần này lại diễn ra một sự kiện khác nhắc nhở nỗ lực của Trung Quốc tăng cường cho các vị trí tiền đồn hiện có của họ: Mỹ Kỳ nói Trung Quốc dường như đã triển khai các đơn vị tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Học giả Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nói Trung Quốc vốn đã có những tàu tuần duyên nhiều hơn so với tất cả các nước ASEAN cộng lại. Với những vũ khí và hạ tầng quân sự, Bắc Kinh đang triển khai trên các đảo nhân tạo được xây ở vùng biển có tranh chấp, một số nơi cách đất liền hơn 800 cây số, Trung Quốc đang có cả năng lực tấn công nhanh lẫn ưu thế hải quân so với các nước khác trong khu vực.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đã gia tăng nhờ cam kết của Tổng thống Obama về việc can dự đầy đủ hơn với Đông Nam Á và đích thân tham gia vào các diễn đàn thường niên như hội nghị cấp cao An ninh Đông Á, theo nhận xét của nhà phân tích an ninh Đông Nam Á Carl Thayer.
Ông Thayer nói: “Ông Obama sẽ để lại một di sản mà nếu một tổng thống mới của Mỹ lờ đi sẽ là một sự liều mạng”.
|
Tàu chiến Mỹ tăng cường tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.
|
Trong những năm gần đây, Washington đưa thêm binh sĩ và thiết bị quân sự đến khu vực và tăng cường các liên minh an ninh với một số thành viên ASEAN.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói Hải quân Mỹ đã đưa các thiết bị quân sự “mới nhất và tính năng cao nhất” đến khu vực - như phi cơ tuần thám P-8, chiến hạm cận duyên, tàu ngầm lớp Virginia và các tàu đổ bộ mới như USS America.
Tại Australia hồi năm ngoái, hơn 1.000 binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ đã được triển khai đến thành phố Darwin để tham gia các cuộc tập trận với Lực lượng Quốc phòng Australia. Đến năm 2017, con số các cuộc triển khai luân phiên sẽ tăng lên 2.500.
Tòa án Tối cao của Philippines mới đây đã chuẩn thuận một hiệp định hợp tác an ninh song phương cho phép quân nhân và vũ khí Mỹ được trú đóng trên cơ sở luân phiên tại 5 sân bay quân sự và 2 căn cứ hải quân của Philippines.
Việc quân đội Mỹ trở lại Philippines được những người ủng hộ xem như một sự răn đe đáng kể đối với Trung Quốc và nó diễn ra sau 25 năm từ khi Manila bỏ phiếu về việc đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ ở nước này khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Washington cũng đang trợ giúp hàng hải cho các nước ASEAN khác, trong đó có Việt Nam. Những năng lực được tăng cường này ở Đông Nam Á được bổ sung thêm nhờ và những cuộc điều quân và các căn cứ quân sự rộng lớn của Mỹ ở Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Những chướng ngại trong năm 2016
Tuy nhiên, theo đài VOA, các nhà phân tích cho rằng chính quyền Obama sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong lúc tìm cách gia tăng giao tiếp với Đông Nam Á mà không làm gia tăng những mối căng thẳng với Trung Quốc.
Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ cần phải kết nối với khu vực Á châu Thái Bình Dương: "Châu Á-Thái Bình Dương vô cùng quan trọng cho việc thăng tiến an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của con người trên khắp thế giới. Đó chính là lý do tại sao tôi dành ra rất nhiều công sức trong chính sách đối ngoại của mình để gia tăng thêm nữa sự giao thiệp của Mỹ với khu vực này".
Trong một cố gắng để củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo khu vực tại Nhà Trắng và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong nhiều nhiều chuyến viếng thăm Châu Á.
Thế nhưng mục tiêu của Mỹ nhằm xây dựng một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào quốc hội và vấn đề quốc hội có phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2016 hay không. Hiệp định thương mại qui mô lớn này đang gặp phải sự chống đối khá mạnh tại Quốc hội Mỹ.
Ông Christopher Johnson, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng TPP không chỉ liên quan tới vấn đề kinh tế, thương mại. Ông nói: "Đối với hầu hết các nơi ở Châu Á, kinh tế chính là an ninh".
Ông Marc Noland, một nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông cũng sẽ tiếp tục là một thách thức lớn: "Những yêu sách chủ quyền và những hành động khác của Trung Quốc đã tạo ra sự lo lắng cho nhiều người ở những nước nhỏ hơn trong khu vực, cho nên họ hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Nhưng đồng thời họ cũng không muốn bị lôi kéo vào những vụ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc".
Ông Johnson cho rằng Mỹ cần phải hành xử một cách thận trọng: "Có thể nói hành động cân bằng này sẽ là cân bằng giữa hai mục tiêu: một bên là tìm cách trấn an các đối tác và các đồng minh trên khắp Châu Á, nhất là Đông Nam Á, là Mỹ có mặt ở đó và giữ vững những cam kết về đồng minh quân sự trước những hoạt động mỗi ngày một táo tợn hơn của Trung Quốc trong khu vực; và một bên là không làm cho Trung Quốc nghĩ rằng đây là một chiến lược bao vây để tìm cách gây thiệt hại cho quyền lợi của Trung Quốc trong khu vực".
Mỹ đã cam kết giúp đỡ các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng vệ biển và yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo, ngưng thực hiện những công trình xây dựng mới và ngưng quân sự hóa những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.