Trung Quốc khuấy động Biển Đông đầu năm 2016

Google News

(Kiến Thức) - Mới đầu năm 2016, Trung Quốc đã khuấy động Biển Đông bằng vụ thử nghiệm hạ cánh máy bay dân dụng xuống đường băng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Theo giới phân tích, vụ máy bay dân dụng Trung Quốc hạ cánh lần đầu tiên xuống đường băng trên “đảo nhân tạo” Đá Chữ Thập mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam báo hiệu những lần hạ cánh tiếp theo của máy bay quân sự.
Trung Quoc khuay dong Bien Dong dau nam 2016
Đường băng dài 3.000 mét trên "đảo nhân tạo" Đá Chữ Thập cho phép tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc hạ, cất cánh.
Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp có thể dẫn đến việc Bắc Kinh thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở đây, làm gia tăng căng thẳng với các cũng tuyên bố chủ quyền Biển Đông và Mỹ. Hành động của Trung Quốc đang biến Biển Đông thành một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới.
Máy bay quân sự Trung Quốc đồn trú vĩnh viễn  ở quần đảo Trường Sa
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/1 rằng một máy bay dân sự đã thử nghiệm hạ cánh lần đầu tiên xuống một đảo nhân tạo được bồi đắp và xây dựng (trái phép) trong quần đảo Trường Sa.
Việt Nam đã chính thức phản đối động thái này qua kênh ngoại giao, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila dự kiến sẽ có hành động tương tự.  Phát ngôn viên Charles Jose nói với các nhà báo: “Hiện có lo ngại về việc Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông và gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không trong khu vực”.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố việc Trung Quốc cho máy bay hạ cánh xuống đường băng Đá Chữ  "làm gia tăng căng thẳng và đe dọa ổn định trong khu vực”. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã lên tiếng chỉ trích  chính quyền Obama đang trì hoãn chiến dịch tuần tra "tự do hàng hải" tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã  xây dựng đường băng trên Đá Chữ Thập và việc và máy bay dân dụng hạ cánh xuống “đảo nhân tạo” không phải là bất ngờ.
Trung Quoc khuay dong Bien Dong dau nam 2016-Hinh-2
Các đường băng ở quần đảo Trường Sa tạo điều kiện cho Bắc Kinh thọc sâu vào trái tim hàng hải của khu vực Đông Nam Á. 
Đường băng tại “đảo nhân tạo” Đá Chữ Thập dài 3.000 mét và là một trong ba đường băng mà Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng trái phép trên 7 “đảo nhân tạo” bồi đắp từ rạn san hô và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các đường băng nói trên sẽ là đủ dài để  các máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải và  máy bay chiến đấu tối tân nhất của Trung Quốc cất hạ cánh, tạo điều kiện cho Bắc Kinh thọc sâu vào trái tim hàng hải của khu vực Đông Nam Á.
Quan chức Trung Quốc đã nhiều lần bao biện rằng  những hòn đảo mới sẽ được chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Cuối tuần qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết rằng chuyến bay thử nghiệm này nhằm kiểm tra xem đường băng (trên Đá Chữ Thập) có đạt tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không và "hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo giáo sư thỉnh giảng Leszek Buszynski tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng việc Trung Quốc đổ bộ quân sự lên các đảo nhân tạo hiện thời là "không thể tránh khỏi". Ông nói  việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông là “hoàn toàn có thể trong tương lai”, một khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh không quân.
 Giáo sư thỉnh giảng Leszek Buszynski  nhận định: "Sau khi thử nghiệm với một số chuyến bay, bước tiếp theo sẽ là Trung Quốc đưa một số máy bay chiến đấu (Su-27 và Su-33) đến khu vực và sẽ ở lại đó vĩnh viễn.  Đó là những gì mà Trung Quốc có khả năng làm”.
Trung Quốc để ngỏ khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông
Chuyên gia về Biển Đông Ian Storey của Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore cho biết căng thẳng sẽ trầm trọng hơn, khi Trung Quốc sử dụng các căn cứ mới để thể hiện sức mạnh sâu hơn vào Biển Đông.
Thậm chí, ngay cả khi Bắc Kinh không chính thức tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, các căn cứ quân sự mới này sẽ bảo vệ đường băng và các cơ sở khác của Trung Quốc trong khu vực.
Các quan chức Mỹ và khu vực cho biết Trung Quốc đang ráo riết hoàn thành một loạt các cảng, kho  tàng và công tác nhân sự trên các đảo mới.  Các trạm radar cảnh báo và thiết bị liên lạc quân sự sẽ được lắp đặt trên Đá Chữ Thập.
Chuyên gia Ian Storey nói: "Khi các cơ sở này đi vào hoạt động, việc Trung Quốc liên tục cảnh báo máy bay quân sự và dân sự của nước ngoài ở khu vực sẽ trở thành thông lệ. Những vụ cảnh báo này sẽ là tiền thân của ADIZ trên thực địa... và chắc chắn căng thẳng sẽ gia tăng”.
Trung Quốc đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Mỹ  và Nhật Bản hồi cuối năm 2013,  khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, bao trùm các nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.
Ngày 4/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng trong thời gian trước mắt, Trung Quốc không có kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Hoa Xuân Oánh nói thêm: "Quyết định này sẽ dựa trên  phán đoán của chúng tôi về tình hình khu vực và nhu cầu của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, các quan chức quân sự khu vực cho biết Trung Quốc đang gia tăng cảnh báo máy bay nước ngoài từ các trạm mặt đất trên Đá Chữ Thập.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông, một tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới với tổng khối lượng thương mại trị giá  5 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm.
Tại Washington, Thượng nghị sĩ McCain nói rằng việc Mỹ không hành động sau một cuộc tuần tra hải quân gần các đảo nhân tạo hồi tháng 10/2015  đã cho phép Trung Quốc tiếp tục "theo đuổi tham vọng lãnh thổ" trong khu vực.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn cam kết thực hiện tiếp tục tuần tra "tự do hàng hải" gần các đảo đang tranh chấp, nhưng vẫn còn tranh luận về thời gian tiến hành các đợt tuần tra khác.
Minh Châu (Theo Reuters)

Bình luận(0)