Tổng thống Nga đắc lợi với lệnh ngừng bắn ở Syria

Google News

(Kiến Thức) -Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc lợi với lệnh ngừng bắn ở Syria, khi nổi lên là một nhà môi giới hòa bình tầm vóc thế giới.

Đà chiến thắng của quân đội Syria xung quanh Aleppo cho phép Damascus đàm phán với phe đối lập trên thế mạnh, trong khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào lúc nửa đêm ngày 27/2 khiến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin ở vào vị thế mạnh hơn nhiều so với khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria.
Tong thong Nga dac loi voi lenh ngung ban o Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc lợi với lệnh ngừng bắn ở Syria.
Đình chiến ở Syria cũng giúp Tổng thống Putin tránh sa vào một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã tuyên bố sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của người Kurd ở phía bắc Aleppo. Một cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm cho nội chiến Syria leo thang và có thể đẩy quân đội Nga sa vào một cuộc chiến mà Tổng thống Putin không hề mong muốn.
Bằng cách lôi kéo Mỹ vào một cuộc đối thoại quân sự trực tiếp ở Syria, Tổng thống Nga cũng đạt được mục tiêu chính của ông làm cho Moscow có vị thế toàn cầu ngang bằng với Washington.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch không kích ở Syria vào ngày 30/9, điện Kremlin đã kêu gọi Mỹ phối hợp các chiến dịch quân sự. Nhưng Mỹ đã cáo buộc không quân Nga nhắm mục tiêu vào phiến quân “ôn hòa” thay vì không kích nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và chỉ đồng ý trao đổi thông tin về các chuyến bay quân sự để tránh sự cố trên bầu trời Syria.
Moscow đã phản ứng bằng cách đòi Mỹ xác định các nhóm vũ trang đối lập và các khu vực đồn trú mà máy bay chiến đấu Nga không nên tấn công.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có hiệu quả đáp ứng đòi hỏi đó, khi yêu cầu các chuyên gia quân sự Nga-Mỹ trao đổi thông tin về các nhóm đối lập tuân thủ ngừng bắn và các nhóm cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Trao đổi thông tin như vậy sẽ cho phép Moscow giảm bớt sự chỉ trích về các cuộc không kích và khiến cho các nhóm nổi dậy không cam kết ngừng bắn trở thành mục tiêu hợp pháp của không quân Nga.
Trong khi Tổng thống Assad mong muốn giành lại quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn nhất và thủ đô thương mại của Syria trước chiến tranh, Tổng thống Putin không coi việc giành lại thành phố này là cần thiết đối với sự thành công của chiến lược Syria của Nga.
Quân đội Syria đã chiếm lại nhiều vị trí quan trọng xung quanh Aleppo, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của phiến quân. Theo quan điểm của ông Putin như vậy là đủ để vực dậy vị thế của Tổng thống Assad trước các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva và khiến cho Mỹ cùng các đồng minh quan tâm đến việc đàm phán một thỏa hiệp hòa bình trong tương lai cho Syria. Các cuộc đàm phán ở Geneva đã tan vỡ hồi tháng trước khi bắt đầu một cách nghiêm túc. Phe đối lập yêu cầu chấm dứt các cuộc không kích của Nga như một điều kiện tiếp tục đàm phán.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn Syria vẫn cho phép cả Nga lẫn liên minh do Mỹ dẫn đầu tiếp tục hành động quân sự chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria.
Mặt trận al-Nusra là một lực lượng chiến đấu chủ lực xung quanh Aleppo và ở nhiều khu vực khác. Có rất nhiều nhóm thánh chiến nhỏ hơn hiện đang liên minh với Mặt trận al-Nusra. Chính vì vậy mà người ta nghi ngờ rằng lệnh ngừng bắn không giúp gì nhiều cho việc giảm chiến sự ở Syria.
Với mối liên kết nhằng nhịt và sự pha trộn phức tạp giữa các đơn vị nổi dậy trên chiến trường, hiện chưa rõ Nga và Mỹ làm cách nào để có thể phân biệt giữa quân nổi dậy “ôn hòa” và chiến binh thành chiến al-Nusra.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và các chế độ quân chủ vùng Vịnh khác đã ủng hộ kẻ thù của chế độ Assad trong suốt cuộc nội chiến Syria. Những nước Trung Đông này đang theo dõi chặt chẽ thỏa thuận Mỹ-Nga, với cảm giác bất an vì sợ rằng thỏa thuận này nó sẽ có lợi cho chính phủ Syria.
Các nước này đã chuẩn bị tiến hành chiến dịch mặt đất ở Syria, một viễn cảnh khó có thể loại trừ nếu thỏa thuận ngừng bắn bị sụp đổ. Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích dân quân người Kurd ở phía bắc Aleppo và thề sẽ ngăn chặn đà tiến của lực lượng này.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân vào Syria, điều này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ đụng độ với Nga. Quan hệ Moscow-Ankara đã trở nên căng thẳng kể từ khi chiến đấu cơ phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga ở biên giới Syria hồi tháng 11/2016.
Ông Putin đã ra lệnh cho quân đội tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào đe dọa máy bay chiến đấu Nga ở Syria, nhưng cố gắng tránh một sự leo thang nguy hiểm có khả năng dẫn đến xung đột quân sự Nga-NATO.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria xem ra là giải pháp tốt nhất đối với Nga vào thời điểm hiện tại và Tổng thống Putin có thể sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận này, trong đó có việc giảm đáng kể số lần xuất kích của chiến đấu cơ Nga.
Tổng thống Putin đã nói chuyện với Tổng thống Assad để đảm bảo cam kết ngừng bắn và cũng đã điện đàm về vấn đề này với các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út, Iran và Israel trong tuần này.
Mặc dù Nga tuyên bố sẽ tiếp tục không kích các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra, Tổng thống Putin có thể ra lệnh giảm hoặc thậm chí ngừng không kích các khu vực mà các chiến binh al-Nusra xen lẫn với các nhóm được Mỹ hậu thuẫn để tránh để cho thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ ngay lập tức.
Video Nga không kích phiến quân ở Syria (Nguồn Mail Online):
Minh Châu (Theo AP)

Bình luận(0)