Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò “chia để trị” ở Iraq

Google News

(Kiến Thức) - Đưa bộ binh và xe tăng vào Iraq là một hành động có tính toán và có mưu đồ “chia để trị” của ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nhà phân tích chính trị độc lập Pepe Escobar, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ vào Khu tự trị Kurdistan của Iraq không ít hơn một tiểu đoàn gồm 400 binh sĩ và 25 xe tăng M-60A3. Hiện thời, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú ở trại Bashiqa, phía đông bắc Mosul, có tổng cộng khoảng 600 binh sĩ.
Tho Nhi Ky choi tro “chia de tri” o Iraq
Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ vào Khu tự trị Kurdistan của Iraq không ít hơn một tiểu đoàn gồm 400 binh sĩ và 25 xe tăng M-60A3. 
Đây không phải là một "trại huấn luyện" như Ankara đang bao biện mà là căn cứ quân sự đầy đủ và có ý đồ bám trụ ở đây mãi mãi.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân vào miền bắc Iraq là một thỏa thuận đạt được tháng trước giữa chính quyền Khu tự trị  Kurdistan (KRG) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thời đó là Feridun Sinirlioglu ở Erbil.
Thổ Nhĩ Kỳ đã “thề sống thề chết” rằng việc đổ quân này chỉ nhằm "đào tạo" các chiến binh Peshmerga chiến đấu chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc Daesh).
Điều này là phi lý vì động cơ thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ là tranh giành ảnh hưởng ở miền bắc Iraq với liên minh “4+1”chống IS - trong đó hợp lực Iran, người Shiite ở Iraq, Quân đội Syria, Hezbollah và Nga.
Ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hầu như bị tê liệt, sau “cú đâm vào lưng" bắn rơi của máy bay ném bom Su-24; sau việc Nga vạch trần sự đồng lõa của gia tộc Erdogan với việc IS đánh cắp dầu mỏ của Syria và sau những đòn có tính hủy diệt của Không quân Nga giáng vào phiến quân  Turmen vốn được coi là “đạo quân thứ 5” của Ankara. Đó là chưa kể việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 và lần đầu tiên dùng tàu ngầm Kilo cải tiến phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công “thủ phủ” Raqqa của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Chính vì vậy mà Ankara hiện tập trung vào việc thành lập phản liên minh bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, KRG  và người Sunni ở miền bắc Iraq dưới sự lãnh đạo nghĩa của bộ tộc Nuceyfi ở Mosul.
Đối với lãnh đạo đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP), miền bắc Syria và miền bắc Iraq vốn là những tỉnh trước đây của Đế quốc Ottoman, một phần mở rộng về phía đông của tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) vẫn kiểm soát thành phố Mosul. Nhưng các lực lượng người Sunni ở Iraq - cũng như quân đội Iraq - đang ráo riết chuẩn bị tiến hành một cuộc tổng tấn công tái chiếm thành phố chiến lược lớn thứ hai này.
Vì vậy, Ankara muốn căn cứ quân sự Bashiqa gần Mosul là “một phần của trò chơi”, cùng với hai chương trình "vô hình" nhằm bảo vệ “đội quân thứ năm” Turkmen và phát động chiến tranh trên mặt đất chống Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) đang nương náu ở Iraq.
Tho Nhi Ky choi tro “chia de tri” o Iraq-Hinh-2
 Lãnh đạo TNK Erdogan có giao dịch kinh doanh cực kỳ gần gũi với của thủ lĩnh Massoud Barzani của Khu tự trị Kurdistan ở Iraq.
Tổng thống Erdogan có giao dịch kinh doanh cực kỳ gần gũi với của thủ lĩnh Massoud Barzani của Khu tự trị Kurdistan ở Iraq, đặc biệt là trong các thỏa thuận xuất khẩu dầu trái phép, qua mặt Baghdad. Ông Barzani cho rằng  việc Ankara lập căn cứ quân sự lâu dài ở Bashiqa là “không thành vấn đề” vì Thổ Nhĩ Kỳ chính là đối tác mua dầu chủ chốt của ông ta.
Động thái đưa quân vào miền bắc Iraq của Ankara thúc đẩy “cuộc chiến đường ống dẫn dầu” giữa hai dự án đường ống dẫn khí cạnh tranh quyết liệt với nhau là tuyến đường ống Qatar-Ả-rập Xê-út- Jordan-Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và  tuyến đường ống Iran-Iraq-Syria.
Hoang tưởng về việc Nga có thể cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn hạ Su-24 (một điều mà Gazprom chắc chắn sẽ không làm) đã khiến cho Ankara tìm cách ép buộc Baghdad "chấp nhận" một đường ống dẫn khí đốt Qatar qua lãnh thổ Iraq, chứ không đi qua lãnh thổ Syria.
Có một điều rõ ràng là chính quyền ở  Baghdad tuyệt đối không chấp nhận đường ống dẫn khí đốt Qatar qua lãnh thổ Iraq, vì Iraq là một phần của liên minh "4+1".  Hơn nữa, Iran - và Nga – cũng đang tìm cách chia rẽ người Kurd để đập tan mưu đồ của Tổng thống Erdogan.
Điểm mấu chốt trong “kế hoạch Erdogan” thành lập một khu vực “Sunnistan” ở miền bắc Iraq – dưới sự đồng quản lý của KRG và các bộ lạc Sunni, theo thỏa thuận an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào thời điểm này, khi “trò chơi ở Syria” có nguy cơ bị phá sản, Tổng thống Erdogan quyết định thay đổi con bài và chơi trò “chia để trị” ở  Iraq.
Và điều đó một lần nữa lại khơi dậy câu hỏi: Làm thế nào mà Daesh (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria ISIS) đã đánh chiếm được thành phố Mosul - thành phố lớn thứ hai ở Iraq - mà không cần chiến đấu nhiều. Và làm thế nào mà các đoàn xe khét tiếng của ISIS với những chiếc Toyota màu trắng lấp lánh băng qua sa mạc từ Syria tới Iraq mà không bị phát hiện bởi các hệ thống giám sát vệ tinh phức tạp nhất trong lịch sử vũ trụ.
Việc các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng quân đội Iraq ở thành phố Mosul đã quá hoảng loạn và chỉ biết bỏ chạy xem ra cũng là một câu chuyện hoang đường. Như chúng ta biết, quân đội Iraq ở Mosul - được Mỹ đào tạo và trang bị “vũ khí tận răng” – đã bỏ lại đằng sau một số lượng cực lớn xe tăng, xe bọc thép và vũ khí hạng nặng. Toàn bộ “món quà trời cho” này đã hoàn toàn rơi vào tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Người ta không loại trừ khả năng Lầu Năm Góc cố tình "hướng dẫn" Quân đội Iraq rút lui và để lại cho IS một kho vũ khí Mỹ rất hiện đại và khổng lồ. Rất có thể, ai đó đã toan tính rằng với số vũ khí hiện đại nói trên, Nhà nước Hồi giáo sẽ quay sang đánh chế độ Assad và giúp họ đạt được mục tiêu đẩy đất nước này lâm vào tình trạng hỗn loạn. Bằng cách này, nếu không hoàn toàn lật đổ được chế độ Assad, người ta cũng thành lập được một chính thể “Sunnistan” ở Syria.
Nhà phân tích địa chính trị Pepe Escobar đặt câu hỏi: Liệu Lầu Năm Góc có  tham gia vào mưu đồ như vậy hay không?
Minh Châu (Theo RT)

Bình luận(0)