Ngày 25/5/2014, cử tri Ukraine đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới, trong bối cảnh chính trường đang căng thẳng sau “sự kiện Maidan”. Nhận được sự hỗ trợ từ tầng lớp “cách mạng mới” ở Kiev và tung ra khẩu hiệu "lối sống mới”, ứng cử viên Petro Poroshenko đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên, với 54,7% số phiếu bầu.
|
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko: Nhìn lại một năm cầm quyền.
|
Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2014 bị bao trùm bởi bạo lực chính trị và sự hăm dọa đối với một số ứng cử viên “chống Maidan” như ứng cử viên độc lập Oleg Tsarev, ứng cử viên của Đảng Các khu vực Mikhailo Dobkin và ứng cử viên Cộng sản Petro Symonenko. Các ứng cử viên nói trên đã bị buộc phải bỏ tham gia tranh cử. Thậm chí, hai ứng cử viên Tsarev và Dobkin còn bị đánh đập nhiều lần.
Các khu vực do dân quân nắm giữ ở Donetsk và Lugansk tẩy chay cuộc bầu cử này, trong khi Bán đảo Crimea đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Ukraine và gia nhập Liên bang Nga hai tháng trước đó.
Ứng cử viên tổng thống Petro Poroshenko đã đưa ra những lời hứa hẹn hoành tráng. Đó là nhanh chóng kết thúc các cuộc xung đột ở khu vực Donbass, khôi phục lại toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, thực hiện chiến dịch chống tham nhũng triệt để cũng như tăng lương và trợ cấp hưu trí…
Nội chiến kéo dài ở miền đông Ukraine
Trong buổi họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, ông Poroshenko hứa hẹn rằng "chiến dịch chống khủng bố" ở miền đông Ukraine (phát động vào giữa tháng 4/2014) "sẽ không kéo dài quá hai hoặc ba tháng”.
Thế nhưng, đến giữa nùa Hè năm 2014, Tổng thống Poroshenko đã buộc phải rút lại lời hứa của mình, khi các cuộc tấn công quân sự của Ukraine bị sa lầy ở miền đông. Cuộc nội chiến ngày càng tàn bạo tiếp tục làm thiệt mạng nhiều binh sĩ và dân thường cho đến tháng 2/2015, khi một thỏa thuận ngừng bắn mong manh được thực thi theo thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận này nhằm đưa ra Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng trở về với Ukraine để đổi lấy liên bang hóa, có nghĩa dành quyền tự chủ nhiều hơn cho các khu vực ở Ukraine - một điều mà Kiev không muốn cam kết.
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã cướp đi hơn 6.250 sinh mạng, trong đó có hàng ngàn thường dân và hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 800.000 người Ukraine đã xin tị nạn tại Nga và Belarus, trong khi hàng ngàn người khác đang tìm cách chạy sang các nước Châu Âu.
Giữa lúc cuộc khủng hoảng kéo dài, ngân sách quốc phòng Ukraine đã từ 1% Tổng thu nhập quốc dân (GNP) vào năm 2013 lên 1,8% năm 2014 và 2,6% trong năm 2015. Tổng thống Poroshenko hứa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% vào năm 2020. Hơn nữa, chính quyền Ukraine còn tiến hành nhiều đợt cưỡng chế tổng động viên, phát triển quân đội thường trực từ 130.000 binh sĩ lên 234.000 binh sĩ vào cuối năm 2014 và dự kiến tăng lên 250.000 binh sĩ trong năm nay.
Cuộc chiến chống tham nhũng bế tắc
Mặc dù Tổng thống Poroshenko hứa hẹn tiến hành một cuộc chiến toàn diện chống lại tham nhũng nhưng chiến dịch chống tham nhũng ở Ukraine đã bị bế tắc vì ông Poroshenko cũng sa vào “vết xe đổ” của người tiền nhiệm khi bổ nhiệm người quen bạn bè vào các chức vụ quan trọng trong chính phủ ở Kiev.
|
Tổng thống Petro Poroshenko “hứa hẹn thì nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu”. |
Trung tâm phân tích Apostrof lưu ý rằng, trong năm qua, Tổng thống Poroshenko đã không thể thực hiện lời hứa và "vấn đề chính hiện nay là sự thiếu ý chí chính trị để tạo ra cơ quan công quyền không bị các đảng phái chính trị chi phối", một vấn đề mà đã cản trở bước tiến của Ukraine kể từ đầu những năm 1990.
Bình luận về đạo luật được thông qua vào tháng 9/2014 nhằm thanh trừng các quan chức “tham nhũng” dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, Trung tâm phân tích Apostrof lưu ý rằng đạo luật này đã vi phạm nguyên tắc của giả định vô tội và bình đẳng trước pháp luật. Chiến dịch này đã loại bỏ được khoảng 2.000 quan chức, nhưng không thể thanh trừng tất cả những người trung thành với Yanukovych và càng không thể thanh lọc các quan chức không lý giải nổi sự chênh lệch giữa thu nhập chính thức và sự giàu có của họ.
Tổng thống Poroshenko cũng không thể phá vỡ quyền lực của các đầu sỏ chính trị Ukraine. Ngược lại, một số đầu sỏ chính trị còn lập ra lãnh địa, chi phối chính trường khu vực và thành lập quân đội riêng dưới hình thức các tiểu đoàn tình nguyện địa phương.
Về một năm cầm quyền của Tổng thống Poroshenko, nhà báo Nga Maksim Kononenko nhận định: "Nếu một năm trước đây, Ukraine là một quốc gia nghèo bị các nhà tài phiệt thao túng thì bây giờ, Ukraine vẫn là một nước nghèo khó nhưng bị chi phối bởi các đầu sỏ chính trị. Thậm chí, một trong số đầu sỏ chính trị này còn trở thành tổng thống”.
Vẫn là “Vua sô cô la”
Hiến pháp Ukraine không cho phép các quan chức nhà nước hàng đầu sở hữu doanh nghiệp, coi đó là một nguồn tiềm năng dẫn đến xung đột lợi ích. Tổng thống Poroshenko, một tỷ phú với tài sản ròng ước tính trên 1,5 tỷ USD, từ lâu đã hứa sẽ bán đi đế chế kinh doanh khổng lồ của ông: tất cả mọi thứ từ ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo đến ngân hàng, năng lượng, ô tô, đóng tàu và thậm chí cả truyền thông đại chúng.
Một năm cầm quyền trôi qua, Tổng thống-tỷ phú Poroshenko vẫn tiếp tục dây dưa, từ chối bán các đài truyền hình với chiêu bài “an ninh quốc gia” và bám lấy Công ty bánh kẹo Roshen – một công ty vẫn hoạt động ở Nga và thậm chí còn có một nhà máy tại đó.
Trong bối cảnh Ukraine suy thoái kinh tế, tài sản của Tổng thống Poroshenko vẫn “sinh sôi nảy nở” đều đều, với lợi nhuận của Công ty bánh kẹo Roshen tăng gấp 9 lần trong năm 2014.
Phương tiện truyền thông của Ukraine viết rằng ngay cả khi Tổng thống Poroschenko chịu bán đế chế kinh doanh nói trên, không có gì đảm bảo rằng ông này không dùng số tài sản được tích trữ ở “nơi trú ẩn an toàn” ngoài nước để mua lại số tài sản đó với giá rẻ hơn sau khi rời Dinh Tổng thống ở Kiev.
Nền kinh tế Ukraine trên bờ vực phá sản
Trong một năm cầm quyền của Tổng thống Poroshenko, Ukraine đã trượt vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện và nhiều chuyên gia cho rằng đất nước này đang ở trên bờ vực vỡ nợ. Sau khi giảm 6,8% GNP vào năm 2014, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm thêm 7,5 % trong năm 2015.
Lên cầm quyền với cam kết mang lại cho người dân “một cuộc sống tốt đẹp” và tiến hành cuộc chiến chống đói nghèo, đất nước Ukraine dưới thời Tổng thống Poroshenko phải “đông cứng” tiền lương và lương hưu, có tỷ lệ thất nghiệp leo cao và đồng tiền sụt giá nghiêm trọng, trong khi giá nhu yếu phẩm cơ bản (giá thực phẩm và dịch vụ thiết yếu) tăng vọt. Dưới áp lực của Liên minh Châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ukraine phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm các dịch vụ công và các khoản trợ cấp. Theo dự kiến, Ukraine phải cắt giảm chi tiêu chính phủ đến 20% trong năm 2015.
Dân chúng Ukraine thất vọng
Một cuộc thăm dò ý kiến - được cơ quan thăm dò dư luận Ukraine TNS online công bố trước ngày kỷ niệm một năm cầm quyền của Tổng thống Poroshenko - cho thấy 51% dân chúng Ukraine “hoàn toàn” hoặc “ít hài lòng” với tổng thống, so với 17% “hoàn toàn” hài lòng hoặc hài lòng “một phần”.
Kết quả thăm dò này khẳng định kết quả được hãng nghiên cứu thị trường Research & Branding Group công bố trước đó. Kết quả thăm dò dư luận của Research & Branding Group cho thấy 58% không hài lòng với “thành tích cầm quyền” của Tổng thống Poroshenko, 19% nói rằng họ rất có thể sẽ bỏ phiếu cho ông một lần nữa, trong khi gần 30 % nói họ sẽ bỏ phiếu chống hoặc không tham gia bỏ phiếu.
Đây là một bản cáo trạng gay gắt đánh dấu một năm cầm quyền của Tổng thống Poroshenko, một chính khách-tỷ phú “hứa hẹn thì nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu”.