Tuần trước, quân đội Mỹ đã mời phóng viên CNN tham gia một chuyến bay giám sát Biển Đông, cho phép kênh truyền hình này ghi lại các hoạt động “cải tạo đất” (hút cát xây dựng đảo nhân tạo trái phép) của Trung Quốc cũng như chứng kiến việc quân đội Trung Quốc cảnh báo chiếc máy bay do thám P-8A Poseidon phải "biến đi ngay lập tức”. Phi hành đoàn trên chiếc máy bay do thám P-8A Poseidon trả lời rằng máy bay của họ đang "tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp” trên không phận quốc tế.
|
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun: Việc Mỹ giám sát Biển Đông là "thủ đoạn cũ rích”.
|
Đáng chú ý là một bài viết trước đó của tờ Wall Street Journal nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét việc tiến hành các hoạt động giám sát trong vòng 12 hải lý của các tính năng bị Trung Quốc biến thành “đảo nhân tạo” ở vùng biển đang có tranh chấp ở Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chắc chắn sẽ yêu sách lãnh hải và không phận cho các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trái phép trên các rạn san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông. Điểm mấu chốt của vấn đề là Mỹ không thừa nhận yêu sách lãnh thổ phi lý nói trên của Trung Quốc, theo luật pháp quốc tế. Việc công khai chuyến bay giám sát tuần trước được xem là một bước tiến theo hướng đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án các hoạt động giám sát nói trên của Mỹ là "vô trách nhiệm và nguy hiểm”. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại hạ thấp vụ việc nói trên là “một thủ đoạn cũ rích” của Mỹ.
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Yang Yujun (Dương Vũ Quân) nói với các phóng viên rằng từ lâu Trung Quốc đã đối phó với các hoạt động do thám bằng tàu và máy bay của Mỹ ở Biển Đông. Ông này nói: "Đây không phải là một cái gì mới lạ. Đây là một thủ đoạn cũ rích”.
Phát ngôn viên Yang Yujun nói thêm rằng phản ứng của Trung Quốc "là cần thiết, hợp pháp và chuyên nghiệp”. Nói cách khác, hoạt động giám sát của Mỹ ở Biển Đông là bình thường, nhưng việc công khai hóa hoạt động này có thể là một dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho một cái gì đó mới lạ hơn.
Đồng thời, phát ngôn viên Yang Yujun tiếp tục bảo vệ tính hợp pháp và sự cần thiết của hoạt động xây dựng tại các khu vực tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận là “lãnh thổ” Trung Quốc.
Theo tinh thần này, Trung Quốc mới đây đã “động thổ” xây dựng hai ngọn hải đăng mới trên Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa. Ngày 26/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn lớn tiếng bao biện rằng những ngọn hải đăng mới này sẽ "hướng dẫn tàu thuyền một cách hiệu quả và cải thiện đáng kể an toàn hàng hải ở Biển Đông”.