Vào ngày làm việc cuối cùng của G20 diễn ra ở Brisbane (Australia) vào ngày 16/11, đại biểu các nước đã tập trung vào thảo luận vấn đề tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm các cơ hội việc làm. Tuy nhiên, trọng tâm chính của hội nghị vẫn xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, đại dịch Ebola và vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo đó, vào sáng ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Abe và Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tổ chức một cuộc họp ba bên hiếm hoi bên lề G20. Ở sự kiện đó, họ chủ yếu bàn về các vấn đề liên quan tới Nga và Trung Quốc.
|
Lãnh đạo Mỹ, Australia và Nhật Bản chụp ảnh ở Hội nghị G20.
|
Trong tuyên bố chung của họ, lãnh đạo ba nước trên đã chỉ trích Nga vì những việc làm làm mất ổn định tình hình ở Ukraine và buộc nước này chịu trách nhiệm về vụ MH17.
Mặc dù Trung Quốc không được nhóm trên đề cập một cách rõ ràng, nhưng một số quan sát viên chính trị nhận xét rằng, cuộc họp này dường như là cơ hội để ba nhà lãnh đạo trên bàn cách “kiềm chế Trung Quốc”. Họ đưa ra các ám chỉ tới cuộc tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông khi kêu gọi sự cần thiết của các bên trong việc đảm bảo “tự do hàng hải cũng như tìm ra một giải pháp hòa bình trong cuộc tranh chấp lãnh hải dựa theo luật pháp quốc tế”.
Trong khi đó, một số vấn đề khác cũng được đưa ra trong cuộc họp ba bên trên. Cụ thể, lãnh đạo Mỹ, Nhật và Australia cũng đề cập tới Trung Quốc dưới những cam kết của nước này trong việc bảo vệ những giá trị chung của nhân loại như dân chủ, nền kinh tế mở và giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp.
Nhìn chung, những vấn đề được đem ra thảo luận ở cuộc họp đó khá phù hợp với bài phát biểu của ông Obama trình bày vào ngày 15/11 của Hội nghị. Trong đó, Tổng thống Mỹ ám chỉ tới cuộc tranh chấp lãnh hải của Bắc Kinh và mối quan ngại gia tăng của các nước đối với hoạt động xây dựng quân đội của quốc gia châu Á này. Đồng thời, trong bài phát biểu trên, ông nhấn mạnh rằng, “chẳng còn nghi vấn gì” xoay quanh cam kết của Mỹ đối với chiến lược “trở lại châu Á”.
Cần phải lưu ý rằng, lời hứa hẹn đó đưa ra vào đúng thời điểm khi mà Washington được nhìn nhận là quốc gia đang tích cực tham gia vào tiến trình giải quyết một loạt các vấn đề nổi cộm trên thế giới như khủng hoảng Ukraine, sự nổi dậy của Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, đại dịch Ebola và tình hình hạt nhân Iran.
Trước vụ việc trên, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng gì với tuyên bố chung trên của nhóm ba nước Mỹ, Nhật, Australia mặc dù trước đó họ cũng hứng chịu các chỉ trích tương tự cũng từ đại diện ba quốc gia này tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra hồi tháng 10 ở Bali.
|
Thủ tướng Australai Tony Abbott bắt tay với Tổng thống Putin tại hội nghị này.
|
Trong khi đó, Tổng thống Nga cũng được những lời cảnh báo và quở trách từ các nước khi ông tới tham dự Hội nghị G20 lần này. Đơn cử, Tổng thống Obama đã cảnh báo nhà lãnh đạo Nga không được “cung cấp các vũ khí hạng nặng cho phe ly khai ở miền đông Ukraine”. Cùng với đó, ông cũng để ngỏ khả năng sẽ vẫn tiếp tục cô lập Nga nếu Moscow không ngừng hậu thuẫn cho phe ly khai.
Chưa kể, đại diện Canada, Thủ tướng Stephen Harper đã có phản ứng dữ dội khi nói thẳng với ông Putin lúc hai ông gặp nhau. “Tôi đoán rằng mình sẽ bắt tay ông. Tuy nhiên, tôi chỉ nói với ông điều này thôi. Ông nên rút lui khỏi lãnh thổ
Ukraine”.