Theo ông Peter Hartcher - biên tập viên chính trị và quốc tế của báo Sydney Morning Herald, điều đáng lo ngại nhất trong những năm gần đây là Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh để thâu tóm các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với các nước khác.
|
Ông Peter Hartcher - biên tập viên chính trị và quốc tế của báo Sydney Morning Herald, Australia.
|
Nỗi lo đó giờ đây đã trở thành hiện thực. Trong mấy tháng qua, chính phủ Trung Quốc đang ra sức “đắp đảo”, xây dựng đường băng sân bay và căn cứ ở các vùng biển có tranh chấp với bốn nước láng giềng Đông Nam Á.
Các bãi đá ngầm, rạn san hô mà Trung Quốc đang biến thành “đảo nhân tạo” ở Biển Đông vắt ngang tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới và nằm trên những nguồn tài nguyên đầy tiềm năng dưới đáy biển.
Theo Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, việc Trung Quốc xây dựng “Vạn lý trường thành bằng cát” ở quần đảo Trường Sa là nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông.
Các nước láng giềng đã yêu cầu Trung Quốc ngừng công việc hút cát xây đảo ở Biển Đông và Mỹ cũng đã có đòi hỏi tương tự, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ và tiếp tục công việc “đắp đảo” trái phép.
Cách đây ba tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã "ỷ mạnh hiếp yếu” ở Biển Đông. Ông Obama nói: “Việc Philippines hay Việt Nam không lớn bằng Trung Quốc không có nghĩa là các nước này có thể bị gạt ra rìa”.
Về phần mình, Trung Quốc đã trả lời là “có thể”, thông qua hành động thực tế trong thời gian gần đây. Ảnh chụp từ trên không cho thấy Trung Quốc đang “cải tạo đất” mở rộng hai hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa và trái phép xây dựng hoặc mở rộng 7 “hòn đảo” khác trong quần đảo Trường Sa.
|
Trung Quốc đang ra sức “đắp đảo”, xây dựng đường băng sân bay và căn cứ ở các vùng biển có tranh chấp với bốn nước láng giềng Đông Nam Á. Trong ảnh: Kế hoạch xây đường băng sân bay trên Đá Chữ Thập. |
Cả hai quần đảo nói trên đều ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã vẽ ra cái gọi là bản đồ "đường 9 đoạn” giống như một cái lưỡi lớn liếm trọn vùng biển này. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông rất mâu thuẫn với tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Giáo sư Alan Dupont, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học NSW (Australia), nói: "Điểm mấu chốt là Trung Quốc là cải tạo đất (đắp đảo trái phép) để kiểm soát Biển Đông bằng cách tạo ra các hòn đảo nhân tạo và sau đó quân sự hóa chúng”. Ông nói Bắc Kinh rõ ràng đang tìm cách "kiểm soát Biển Đông và lối vào eo biển Malacca vốn là yết hầu đối với việc vận chuyển 50% thương mại toàn cầu”.
Đây là điều cực kỳ khó xử đối với các chính phủ trên khắp thế giới. Hiếm có chính phủ nào bênh vực cho chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, nhưng không một nước nào đứng ra ngăn chặn. Hành động “đắp đảo” của Bắc Kinh rõ ràng là vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký trong năm 2002 với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên.
Theo DOC, tất cả các chính phủ phải tránh tiến hành mọi hành động gây mất ổn định như xây dựng các cấu trúc mới trên các đảo tranh chấp. Nhưng thỏa thuận DOC lại không có tính ràng buộc và Trung Quốc đang cố tình trì hoãn quá trình đàm phán về bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc.
Tuần trước, Philippines yêu cầu các nước thành viên ASEAN bày tỏ thái độ trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario, nói Trung Quốc đang “củng cố việc kiểm soát Biển Đông trên thực tế" và kêu gọi ASEAN cần “phải cho thế giới thấy rằng hiệp hội này có quyết tâm hành động vì lợi ích chung”.
Về phần mình, ASEAN đã đưa ra một thông cáo bày tỏ quan ngại rằng hoạt động cải tạo đất "có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", nhưng nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm.
Theo nhà phân tích Peter Hartcher, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Trung Quốc có thâu tóm lãnh thổ tranh chấp với các nước khác hay không, mà là liệu phần còn lại của thế giới sẽ làm gì để ngăn chặn hành động đó.