Tổng thống Obama từng lấy làm tiếc về việc Mỹ đã can thiệp vào Libya năm 2011 lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi mà không có một kế hoạch đầy đủ cho thời hậu chiến.
|
Sai lầm nghiêm trọng nhất của Tổng thống Obama và các đồng minh là không có một kế hoạch hậu chiến nào, sau khi phá “tổ ong vò vẽ” Libya. |
Sai lầm nghiêm trọng nhất của Tổng thống Obama và các đồng minh là không có một kế hoạch nào cho thời hậu chiến, sau khi phá “tổ ong vò vẽ” Libya. Trong khi đó, nước Mỹ đã có bài học xương máu sau cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003. Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ và liên quân đã giành chiến thắng nhanh chóng, nhưng “cơn ác mộng” sau chiến tranh vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, một phần vì nỗ lực chiến tranh không song hành với nỗ lực hòa bình.
Bài phát biểu của Tổng thống George W. Bush trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln tháng 5/2003 nhấn mạnh "Mỹ và các đồng minh đã chiến thắng”, nhưng cho đến 12 năm sau, nhiệm vụ bình ổn Iraq vẫn “chưa hoàn tất”. Tình trạng trống rỗng quyền lực sau sự sụp đổ của nhà độc tài Saddam Hussein cùng với “hận cũ, thù mới” ở Iraq đã làm hồi sinh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dưới dạnh chiến binh thánh chiến, al-Qaeda và gần đây là Nhà nước Hồi giáo.
Cũng giống như ở Iraq, đất nước Libya đã sa vào bất ổn triền miên, kể từ khi liên quân phương Tây giúp lật đổ nhà độc tài Gaddafi. Thủ tướng Libya đầu tiên được bầu một cách dân chủ, ông Mustafa Abu Shagour, chỉ tại vị vỏn vẹn một tháng. Trong bốn năm qua, Libya đã thay đến 7 vị thủ tướng. Các nhóm vũ trang Hồi giáo phát triển mạnh như nấm mọc sau cơn mưa rào và hiện đang kiểm soát nhiều khu vực trọng yếu ở Libya. Một chính phủ thánh chiến đã đuổi chính phủ Libya dân bầu ra khỏi thủ đô Tripoli.
Theo ước tính, gần 10.000 đã chết do vụ lật đổ nhà độc tài Gaddafi và một trong số đó là Đại sứ Mỹ J. Christopher Stevens, người đã bị giết trong một cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi hồi tháng 9/2012.
Thông điệp này đã cho thấy đối với Châu Âu, nhà độc tài Gaddafi xem ra còn dễ chịu hơn tình trạng hỗn loạn, không thể kiểm soát ở Libya hiện nay đang đẩy hàng chục vạn “thuyền nhân” lênh đênh đối mặt với tử thần trên Địa Trung Hải.
Hy vọng duy nhất ở Libya là đưa các bên đối địch nhau vào bàn đàm phán. Hồi đầu tháng này, Đại diện đặc biệt của LHQ tại Libya, ông Bernardino Leon, nói rằng có thể đạt được một thỏa thuận để các bên ngồi lại với nhau và chỉ có như vậy mà thôi. Tuy nhiên, do “thù cũ, hận mới”, bất kỳ thỏa thuận nào (nếu may mắn đạt được ở Libya) đều có thể nhanh chóng tan vỡ.
Các chiến binh thánh chiến hiện có trong tay một con “Át chủ bài” để thương lượng và đó là làn sóng vô tận những người tị nạn Châu Phi tìm kiếm nơi trú ẩn ở Châu Âu.
|
Hàng ngàn người từ khắp Châu Phi và Trung Đông qua Libya đổ vào Địa Trung Hải, sẵn sàng hy sinh tính mạng để đổi lấy một cuộc sống ở Châu Âu mà họ cho là tốt đẹp hơn. |
Thật khủng khiếp, khi hàng ngàn người di cư từ khắp Châu Phi và Trung Đông qua Libya đổ vào Địa Trung Hải, sẵn sàng hy sinh tính mạng để đổi lấy một cuộc sống mà họ cho là tốt đẹp hơn. Họ đến từ các nước mà các nhóm Hồi giáo cực đoan đang đe dọa chính phủ như ở Libya.
Liên minh Châu Âu (EU) hiện đang tuyệt vọng ngăn chặn làn sóng người tị nạn tràn qua Địa Trung Hải đổ vào lục địa già. EU đã đề xuất hành động quân sự chống lại những kẻ buôn người ở ngoài khơi bờ biển Libya. Thế nhưng kế hoạch này đã vấp phải phản ứng dữ dội của Chính phủ cứu quốc Libya ở Tripoli – một sản phẩm quái dị nảy sinh sau khi liên quân phương Tây giúp lật đổ nhà độc tài Gaddafi. “Ngoại trưởng” của chính phủ này là Mohamed el-Ghiriani đã cảnh báo rằng Libya sẽ "giáng trả" bất cứ lực lượng nào hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Libya.
Trong hai thập kỷ qua, người ta đã được cảnh báo rằng một "quốc gia thất bại" sẽ là một mối đe dọa to lớn đối với an ninh của phương Tây. Thế nhưng, Châu Âu không học hỏi gì từ bài học này. Do chọc nhầm “tổ ong vò vẽ” Libya bằng cách lật đổ nhà độc tài Gaddafi, EU hiện đang “méo mặt” trước làn sóng triền miên người tị nạn Châu Phi liều mình vượt qua Địa Trung Hải.