|
Những hoạt động đắp đất xây dảo của Trung Quốc "không phục vụ mục đích hòa bình" và "là những yếu tố gây căng thẳng mới" ở Biển Đông.
|
Đài Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin cho biết, một trong những nhiệm vụ chính của Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN là thúc đẩy việc ký kết với Trung Quốc Bộ Qui tắc về ứng xử ở Biển Đông.
Ông lưu ý rằng các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc được thực hiện nhiều năm nay nhưng Bắc Kinh luôn duy trì một lập trường không khoan nhượng.
Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia còn nhắc những biểu hiện gần đây, khi Trung Quốc thực hiện loạt động thái hung hăng trên Biển Đông buộc các nước ASEAN đoàn kết để không biến khu vực thành điểm nóng.
Một trong những hành động này là việc Trung Quốc xây dựng sân bay trên rạn san hô Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Từ năm 2013, Bắc Kinh đã tiến hành hoạt động bồi đắp đất trái phép ở Đá Chữ Thập và các rạn san hô lân cận thành một đảo nổi với diện tích hiện nay hơn hai cây số vuông. Tiếp theo, Trung Quốc tổ chức thi công đường băng và bến đỗ cho tàu trọng tải lớn.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngang nhiên tuyên bố, "Trung Quốc đang xây dựng trên đất đai của mình và có toàn quyền để làm như vậy. Đó là công việc hợp lệ và…không nhằm chống lại các nước thứ ba”.
Nhà phân tích chính trị Nga Dmitry Mosyakov - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông Viện Hàn lâm Khoa học Nga - nhận xét, thật kỳ cục khi được nghe một tuyên bố như vậy từ người đứng đầu cơ quan ngoại giao Trung Quốc bởi vì lúc này chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa đều là các chủ đề tranh chấp trong những mức độ khác nhau giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.
Giáo sư Mosyakov nói: "Những hoạt động do Trung Quốc tiến hành không phục vụ mục đích hòa bình. Trái lại, đó là những yếu tố gây căng thẳng mới trong xung đột đa phương. Cần duy trì qui chế hiện trạng trên các rạn san hô cho tới khi mọi tranh chấp được giải quyết. Như vậy mới tạo được những cơ hội để bình tĩnh tham vấn, tìm kiếm thỏa hiệp. Việc một trong các bên xung đột tự tiện thay đổi cấu hình hải đảo tạo ra những thách thức và khía cạnh mới của vấn đề là điều rất đáng buồn”.
Nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin nói: “Những rạn san hô trước kia không thể coi là đảo. Ở đấy không đủ các điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là thiếu nước ngọt. Sau năm 1988, khi Trung Quốc giành của Việt Nam một số rạn san hô, họ bắt đầu dùng tàu cuốc và máy móc biến rạn san hô thành những hòn đảo với diện tích đáng kể”.
Ông Lokshin khẳng định: “Các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển xác định rõ những gì có thể hay không thể coi là một hòn đảo. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 cũng có điều khoản nêu lên rằng không quốc gia nào được phép thực hiện bất kỳ hành động nào vi phạm qui chế nguyên trạng”. Các nước ASEAN và Trung Quốc đều đã ký tuyên bố này.
Hội thảo gần đây của giới khoa học Nga về các vấn đề ASEAN cũng đã đề cập tới việc Trung Quốc bồi đắp đất ở Biển Đông. Ý kiến nhận xét được nêu lên là rõ ràng: Cho tới khi vấn đề chủ quyền lãnh hải hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chưa được giải quyết dứt điểm, Trung Quốc không nên tiến hành những hoạt động như vậy.