Hơn 100.000 quan chức tham nhũng đã bị bắt và công chúng bị chóng mặt trước tốc độ bắt “hổ lớn” trong hai năm qua. Hiện thời, một câu nói cửa miệng của cư dân mạng là “Đã hai tuần rồi mà chưa thấy một vị cấp bộ trưởng nào bị bắt nhỉ”.
|
Hơn 100.000 quan chức tham nhũng đã bị bắt và công chúng bị chóng mặt trước tốc độ bắt “hổ lớn” trong hai năm qua. |
Chính quyền Trung Quốc đã cho thấy quyết tâm
chống tham nhũng, với quy mô và kết quả chưa từng có.
Một số câu hỏi chưa có câu trả lời
Khi chiến dịch chống tham nhũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, một số câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời hoặc thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Những câu hỏi đó là: Tại sao chính phủ chống tham nhũng? Khi nào thì xây dựng được một hệ thống chống tham nhũng hữu hiệu? Liệu Trung Quốc có một lộ trình chống tham nhũng đến cùng?
Câu hỏi "Tại sao chính phủ đang chống tham nhũng?" là quan trọng nhất và đám quan chức đặc biệt chú ý đến câu hỏi này.
Nếu chống tham nhũng nhằm loại trừ các phần tử bất đồng chính kiến trong bộ máy đảng và nhà nước, thì chiến dịch này sẽ đi đến kết thúc sau khi bất đồng chính kiến được loại trừ. Thế nhưng, nếu chiến dịch này thực sự nhằm mục đích tiệt trừ tham nhũng, thì nó có thể sẽ khó khả thi.
Người dân Trung Quốc ủng hộ việc chống tham nhũng thực sự chứ không phải là một chiến dịch nửa vời. Một số quan chức đương quyền không sợ chiến dịch "chống tham nhũng để loại bỏ đối thủ”, nhưng lại rất sợ một chiến dịch chống tham nhũng theo đúng nghĩa đen của nó.
Một người trong cuộc bật mí: “Nếu ngay sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố muốn loại bỏ triệt để tham nhũng, thì ông ấy sẽ bị con quái vật tham nhũng ăn thịt ngay lập tức. Nếu ngay từ đầu, ông Tập thành lập một hệ thống để chống tham nhũng, thì sau đó hệ thống đó chắc chắn sẽ quay ra nghiền nát ông ấy như một cái cối xay thịt”.
Rõ ràng, để chống tham nhũng, người ta phải áp dụng cái cách "thả ếch vào nồi chứa nước lạnh và tăng nhiệt từ từ". Lúc đầu, người ta phải làm cho mỗi cán bộ tin rằng làn sóng chống tham nhũng là không nhắm vào họ, mà nhắm vào những kẻ “chia rẽ bè phái”. Vì vậy mà người ta thấy nhiều "con hổ" vẫn la hét “ủng hộ chống tham nhũng”, trong khi không hề biết rằng đang bị sờ gáy.
Tham nhũng ở Trung Quốc đã bắt rễ sâu vào mọi ngóc ngách chính trị, xã hội và văn hóa - thậm chí tồi tệ hơn, nó đã trở thành một phần của lối sống. Trong hoàn cảnh đó, nếu muốn thực hiện các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ từ trên xuống dưới mà không gây ra một cuộc nổi loạn của các quan chức tham nhũng hoặc gây thất vọng cho công chúng, người ta cần phải có một số chiến thuật đặc biệt. Điều cần thiết là đám quan chức tham nhũng bị bắt và công chúng sẽ không bị quá xúc phạm.
Lộ trình chống tham nhũng
Nhưng nếu không có lộ trình rõ ràng, người ta không thể tiệt trừ được vấn tham nhũng và các hình thức tham nhũng mới sẽ thay thế những hình thức cũ.
Về lộ trình chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn đã nhiều lần nói về sự cần thiết của một giải pháp tạm thời trước khi tiệt trừ vĩnh viễn vấn nạn tham nhũng. Lộ trình này phải làm cho các quan chức "không dám tham nhũng”, sau đó "không muốn tham nhũng” và cuối cùng là "không thể tham nhũng”. Lộ trình này có vẻ như khá rõ ràng, nhưng người ta cho rằng khó khả thi.
Ở Trung Quốc, nơi các lực lượng tham nhũng và bảo thủ quá mạnh vẫn còn tồn tại, lộ trình chống tham nhũng có nguy cơ chịu chung số phận của các lộ trình cải cách bất thành trước đây.
Trong bối cảnh đó, một chiến lược hữu hiệu là chiến thuật “làm nhiều, nói ít”, tiến đến đạt được mục đích mà không bộc lộ ý định thực sự, nếu cần thiết. Nhưng để thành công theo cách này, cần phải có một nhà lãnh đạo cực kỳ mạnh mẽ. Nếu không thể đặt hy vọng vào toàn thể ban lãnh đạo, người ta phải dựa vào một người duy nhất.