Cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu hồi tuần trước, xuất phát từ lo ngại về triển vọng đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc.
|
Từ giữa tháng Sáu đến nay chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index đã giảm khoảng 40%, xuất hiện những dấu hiệu suy giảm rõ rệt của nền kinh tế Trung Quốc.
|
Trong “Ngày Thứ Hai đen tối” (24/8/2015),
thị trường chứng khoán Trung Quốc bị mất điểm kỷ lục (hơn 8%) trong vòng 8 năm qua. Tất cả các thị trường chứng khoán quan trọng của thế giới đều đóng cửa với mức âm sâu: chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm gần 600 điểm (3,53%) và các chỉ số Châu Âu giảm từ 5-7%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tuột dốc 4%.
Trong phiên giao dịch ngày 25/8, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index giảm 7,72%, xuống dưới mốc tâm lý quan trọng 3.000 điểm, Shenzhen Component Index giảm gần 7%.
Từ giữa tháng Sáu đến nay chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index đã giảm khoảng 40%, xuất hiện những dấu hiệu suy giảm rõ rệt của nền kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ bị phá giá 3-4%.
Đà đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc lôi theo một loạt các nền kinh tế khác xuống hố - với giá nguyên liệu thế giới tuột dốc, tiền tệ của nhiều nước tiền công nghiệp hóa bị phá giá…
Nguy cơ “hạ cánh bằng bụng”
Trung Quốc không thể giành lại niềm tin của các nhà đầu tư. Mặc dù chính phủ Trung Quốc trong ngày 24/8 thông báo giảm tỷ lệ dự trữ tối thiểu của các ngân hàng và đổ hàng chục tỷ USD vào thị trường tài chính, nhưng các biện pháp quyết liệt này xem ra quá muộn.
Nhà kinh tế trưởng Michael Heise của Tập đoàn khổng lồ Allianz (Đức) nhận định rằng diễn biến xấu đi của nền kinh tế Trung Quốc tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Nếu nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh bằng bụng”, kinh tế thế giới sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
“Hạ cánh bằng bụng” sẽ đồng nghĩa với việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tụt xuống bằng một nửa so với tỷ lệ tăng trưởng của 7,4% của năm ngoái.
Liệu kinh tế Trung Quốc có thực sự đáng lo ngại như người ta tưởng? Phải chăng Trung Quốc đang đứng trước tình trạng suy thoái kéo dài cả thập kỷ như Nhật Bản hồi cuối những năm 1980?
Vấn đề lớn nhất là không một ai ngoài ban lãnh đạo Trung Quốc biết rõ “sức khỏe” thực sự của “nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”, chủ yếu vì các nhà đầu tư không còn tin tưởng vào những con số thống kê chính thức.
Các nhà đầu tư không tin tưởng vào tỷ lệ tăng trưởng hơn 7% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho năm nay. Nhiều nhà kinh tế hiện đang tìm cách tìm ra những con số thực tế bằng cách tính toán riêng.
Nhà kinh tế Wei Yao của Ngân hàng đầu tư Société Générale nhận định: "Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ năm 2012 luôn thấp hơn con số chính thức mà chính phủ Trung Quốc công bố”. Theo tính toán của bà Wei Yao, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ ở mức xấp xỉ 6,5% trong năm 2014 (chứ không phải 7,4% như con số chính thức) và trong năm 2015 sẽ chỉ ở mức dưới 6%. Các nhà kinh tế khác còn đưa ra những con số thấp hơn.
Nhà kinh tế Michael Hüther của Viện nghiên cứu kinh tế Đức ở thành phố Cologne (Köln) nói: “Cái thời Trung Quốc tăng trưởng hai con số đã lui vào quá khứ”. Ông Hüther dự đoán kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng xấp xỉ 5% trong năm 2015.
Có sa vào "vết xe đổ Nhật Bản"?
Triển vọng kinh tế Trung Quốc xem ra có thể còn trở nên tồi tệ hơn và Nhật Bản chính là một tấm gương nhãn tiền.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, kinh tế Nhật Bản đã phát triển thần tốc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế theo định hướng của nhà nước.
Khi đó, Nhật Bản cũng dựa vào xuất khẩu và định giá thấp đồng nội tệ. Thậm chí biểu đồ tăng trưởng của Nhật Bản cũng khá giống biểu đồ tăng trưởng của Trung Quốc trong thời gian qua.
Trong những năm 1950 và 1960, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng bình quân từ 8 đến 10% mỗi năm, thậm chí có năm tăng trưởng tới 13%. Đến giữa những năm 1985, “bong bóng bất động sản” xuất hiện với giá “trên trời” và đi cùng với nó là nợ công tăng vọt. Cuối những năm 1980, bong bong bất động sản ở Nhật Bản nổ tung và những khoản nợ xấu đã “liên tục hành hạ” các ngân hàng gần hai thập kỷ sau đó và dẫn đến nền kinh tế suy thoái liên tục. Thêm vào đó, tình trạng lão hóa dân số đã “làm nốt cái phần còn lại” khiến Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ suy thoái kinh tế.
Đáng chú ý là nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua xem ra cũng đi theo “vết xe đổ Nhật Bản”.
|
Vết xe đổ Nhật Bản? Biểu đồ tăng trưởng của Trung Quốc và Nhật Bản trong chu kỳ 5 năm, tính bằng %.
|
Nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer của ngân hàng Đức Commerzbank nhận định: “Các khoản nợ của hộ gia đình và doanh nghiệp (của Trung Quốc) trong 5 năm gần đây đã chiếm tới 130-180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là khoản nợ phải thanh toán, chẳng sớm thì muộn. Trong khi đó, thị trường bất động sản hiện đang ở tình trạng ế ẩm cung vượt cầu. Hai vấn đề nghiêm trọng này sẽ còn tác động lâu dài đến nền kinh tế Trung Quốc”.
Cũng giống như Nhật Bản, kinh tế Trung Quốc cũng bị tụt dốc vào thời kỳ “lão hóa dân số”. Chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con” kéo dài 35 năm qua đã dẫn đến tình trạng đội quân về hưu ngày càng đông đảo, đội quân lao động đã đạt tới đỉnh điểm và tụt dốc trong những năm tới.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Michael Heise của Tập đoàn Allianz cho rằng nỗi lo về nền kinh tế Trung Quốc “đang bị phóng đại”. Theo ông, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm sút, nhưng không đến mức “hạ cánh bằng bụng”.
Nhà kinh tế Michael Heise nhận định: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ để kịch bản tồi tệ nói trên xảy ra, một phần vì lo ngại nguy cơ bất ổn xã hội đe dọa sự tồn tại của chế độ. Trong trường hợp khẩn cấp, Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc can thiệp bằng một số biện pháp hỗ trợ”.