Ngay cả khi Hàn-Triều đang phán cấp cao ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm để tháo ngòi xung đột, Trung Quốc vẫn chuẩn bị cho mình một kịch bản riêng đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên. Trong kịch bản đó có việc Bắc Kinh đem quân áp sát biên giới Trung-Triều.
|
Pháo chống tăng tự hành PTZ-89 của Trung Quốc.
|
Cuối tuần trước, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội Trung Quốc đã đua nhau tung ảnh xe tăng, vũ khí hạng nặng di chuyển qua các con đường của thành phố Yanji ở tỉnh Cát Lâm nằm trên biên giới Trung –Triều.
Một mạng xã hội ở Trung Quốc đăng hình ảnh một đoàn tàu chở pháo tự hành, với chú thích là để tham gia lễ duyệt binh sắp tới ở Bắc Kinh. Khá trùng hợp là bức ảnh lại lại rất giống với những bức ảnh được chụp ở thành phố Yanji.
Sau khi phân tích những bức ảnh được đăng tải, NK News cho biết đây là một lữ đoàn cơ giới được trang bị pháo chống tăng tự hành PTZ-89 (Type 89), pháo phòng không tự hành PGZ-95 (Type 95 SPAAA) và pháo tự hành cỡ nòng 155 mm”.
|
Một đoàn tàu chở pháo tự hành được nhìn thấy ở thành phố Yanji ở tỉnh Cát Lâm nằm trên biên giới Trung-Triều.
|
Chuyên gia Kim Min-seok của Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Triều Tiên nói với NK News rằng Trung Quốc thường đưa các lực lượng bổ sung tăng cường cho khu vực biên giới khi xảy ra căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Min-seok nói: "Trong khi xảy ra vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010 và sau cuộc thanh trừng ‘nhân vật số 2’ Jang Song Thaek năm 2013, nhiều đơn vị lớn của Trung Quốc đã được đưa tới khu vực biên giới Trung-Triều để đề phòng bất trắc”.
Các nhà phân tích của NK News cũng cho rằng với việc đem xe tăng, trọng pháo đến sát biên giới Trung-Triều, Bắc Kinh muốn để gửi một thông điệp đến Bình Nhưỡng rằng “chớ có làm điều gì quá đáng”.
Đáng chú ý là các bức ảnh Trung Quốc dồn quân đến sát biên giới Trung-Triều được tung lên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đúng vào lúc đàm phán cấp cao liên Triều đang diễn ra. Có ý kiến cho rằng đây chính là sức ép mà Trung Quốc tạo ra để đàm phán cấp cao liên Triều đi đến kết quả mong muốn.
Nếu quả thực việc Trung Quốc đem quân đến biên giới để đe dọa Bình Nhưỡng vào lúc đàm phán liên Triều, thì tiếng gầm rú của xe tăng xem ra lại khá êm tai đối với Hàn Quốc.
Mới đây, Seoul đã thông báo rằng Tổng thống Park Geun-hye sẽ đến Bắc Kinh tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, bất chấp có tin nói Mỹ đã thúc ép bà hủy bỏ chuyến đi này. Có lẽ, bà Park Geun-hye hy vọng Bắc Kinh sẽ đáp lại “tấm thịnh tình” bằng cách hối thúc Triều Tiên giảm quy mô căng thẳng. Thông báo về chuyến đi Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun-hye được đưa ra vào ngày 20/8, ngay sau khi xảy ra vụ đọ pháo qua biên giới Hàn-Triều.
Ngày hôm sau (21/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng về căng thẳng trênBán đảo Triều Tiên và nói rằng Bắc Kinh "quan ngại sâu sắc về những gì đã xảy ra gần đây” trên Bán đảo Triều Tiên và "phản đối mọi hành động có thể leo thang căng thẳng. Bà Hoa Xuân Oánh thúc giục" các bên liên quan giữ bình tĩnh và tự kiềm chế”.