Khủng hoảng Ukraine: Mỹ chớ quên bài học Gruzia

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhà phân tích Mỹ Paul J. Saunders, trong khi xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine, chính quyền Obama chớ quên bài học Gruzia.

Theo nhà phân tích Saunders - giám đốc điều hành Trung tâm vì lợi ích dân tộc có trụ sở ở Mỹ, điều đáng chú ý nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine là việc các nhà lãnh đạo phương Tây nhất trí với nhau về việc “cần ngăn chặn Tổng thống Nga Vladimir Putin”,  trong khi chờ đợi một người khác làm việc đó. Các nước thành viên NATO mới ở Đông Âu muốn Mỹ vũ trang cho Ukraine, nhưng lại không muốn bị dính líu vào cuộc khủng hoảng này.  
Khung hoang Ukraine: My cho quen bai hoc Gruzia
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở thủ đô Kiev.
Các chính phủ Tây Âu muốn Mỹ cầm đầu trong việc xử lý khủng hoảng, nhưng lại  không muốn làm theo Washington bất cứ điều gì bị coi là quá tốn kém. Trên thực tế, Liên minh Châu Âu (EU) chỉ cung cấp cho Ukraine một số tiền chưa bằng 1% số tiền mà EU hỗ trợ cho Hy Lạp. Công bằng mà nói, qui mô của nền kinh tế Ukraine chỉ bằng phân nửa kinh tế Hy Lạp và Ukraine không phải là thành viên EU. Tuy nhiên, dân số Ukraine lại cao gấp bốn lần dân số Hy Lạp.
Phe “diều hâu” ở Mỹ, trong đó có một vài quan chức cấp cao trong chính quyền Obama, tỏ ý sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng lại không muốn đưa bộ binh vào tham chiến. Nói cách khác, họ đang chuẩn bị đầy đủ để chống Tổng thống Nga Vladimir Putin “đến người Ukraine cuối cùng” hoặc có lẽ đến  “đồng đô la cuối cùng” mà  Quốc hội Mỹ sẽ chuẩn chi cho mục đích này.  Có tin nói Quốc hội Mỹ chỉ chuẩn chi 300 triệu USD giúp đỡ Ukraine, trong đó có 60 triệu USD dành cho cung cấp vũ khí.
Số tiền này quả là nực cười, khi biết rằng nước Mỹ đã bỏ ra hàng nghìn tỷ USD để chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan.
Một chính sách nửa vời đương đầu với Nga có thể dẫn đến kết quả tồi tệ, một thất bại đã nhìn thấy trước.  Nếu người Mỹ  không sẵn sàng thực hiện cam kết bảo vệ Ukraine, thì vì lẽ gì mà Washington hy vọng người Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng với một nước láng giềng mạnh gấp bội, trong một cuộc chiến rõ ràng là vô vọng?
Cách tiếp cận của chính quyền Bush đối với Gruzia  trong năm 2008 có thể làm gương cho chính quyền Obama trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong năm 2015.
Hồi tháng 8/2008, khi quân đội của Nga tập trung trước đường hầm Roki nối liền Liên bang Nga với Nam Ossetia, các quan chức chính quyền Bush nói với Tổng thống Gruzia  Mikheil Saakashvili rằng  "chớ có mắc bẫy”, “tránh  đối đầu với quân đội Nga”. Phía Gruzia không chịu nghe theo và hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc chiến tổng lực kéo dài chỉ có 5 ngày.
Vốn khá hiếu chiến, nhưng chính quyền Bush vẫn khuyên Gruzia tránh đối đầu quân sự với Nga trong năm 2008. Vậy thì tại sao chính quyền Obama lại không làm cái điều tương tự với Ukraine?
Điều quan trọng nhất là Mỹ cần trung thực với chính mình, với các đồng minh và trung thực với  Ukraine không có nghĩa từ bỏ. Ngược lại, nó là bước đầu tiên trong việc xây dựng một chính sách hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia và tăng cường an ninh Châu Âu. Tuyên bố hiếu chiến hoặc hành động liều lĩnh sẽ chẳng có lợi cho ai và chỉ mang lại cái cớ để phe “diều hâu” ở bên kia chuyến tuyến kiếm cớ leo thang chiến tranh.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)