Trong khi các quan sát viên quốc tế tiếp tục suy đoán về việc có bao nhiêu nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới thứ II, giới phân tích trong nước lại quan tâm đến việc liệu cựu Tổng Bí thư, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân có xuất hiện trên khán đài hay không.
|
Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 8/11/2012. |
Theo truyền thống, các cựu lãnh đạo thường tham dự các cuộc
duyệt binh ở Trung Quốc và chắc chắn sẽ có các lãnh đạo về hưu tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Nhật kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Duowei News cho rằng xét đến nội tình Trung Quốc hiện nay, xem ra chỉ có thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm như cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo… sẽ xuất hiện tại cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh, trong khi các bậc “trưởng lão” như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân ít có khả năng xuất hiện hơn do “tuổi cao sức yếu” hoặc đã qua đời.
Cuộc duyệt binh năm 1999 kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do nhà lãnh đạo đương nhiệm Giang Trạch Dân đã mời các bậc “khai quốc công thần” còn sống như Bạc Nhất Ba tham dự cùng với các cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị.
Trong cuộc duyệt binh năm 2009 kỷ niệm 60 năm ngày lập quốc, lãnh đạo đương nhiệm Hồ Cẩm Đào mời lãnh đạo tiền nhiệm liền kề như Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, trong khi các nhà lãnh đạo từ hai thế hệ trước nữa như Chủ tịch Quốc hội Vạn Lý không tham dự, với “lý do sức khỏe”.
Quy tắc chỉ mời lãnh đạo tiền nhiệm liền kề tham dự các sự kiện trọng đại cũng có thể đã được áp dụng cho đám tang của các vị lão thành cách mạng. Đáng chú ý là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã vắng mặt tại đám tang của cựu Chủ tịch Quốc hội Vạn Lý hồi đầu năm nay và chỉ gửi một vòng hoa để tỏ lòng “tiếc thương vô hạn”.
Việc cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân có tham dự cuộc duyệt binh ngày 3/9 ở Bắc Kinh hay không đang được các nhà phân tích trong nước rất quan tâm, nhất là khi đã xuất hiện nhiều tin đồn về việc ông bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm “cho ra rìa”.
Hồi đầu tháng Tám, Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc - đã đăng một bài xã luận khuyến cáo các nhà lãnh đạo về hưu chớ có can thiệp quá sâu vào công việc của các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Mặc dù không nêu đích danh, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng bài viết nói trên là một sự cảnh báo đối với cựu Tổng Bí thư ĐCS, cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân hiện đã ở tuổi 89.
Ngày 13, một câu nói nổi tiếng của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã bị gỡ bỏ khỏi phân hiệu Thượng Hải của Trường Chính trị Nam Kinh trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Một ngày sau đó, hãng tin Tân Hoa Xã đăng tải một bài bình luận về việc loại bỏ các chữ khắc của các quan chức bị thất sủng. Điều này khiến người ta cho rằng hai sự kiện nói trên chắc chắn có liên hệ với nhau.
Tuần trước, một tảng đá lớn có khắc “lời dạy” của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã bị loại khỏi Trường đảng Trung ương trực thuộc ĐCS Trung Quốc.
Theo Duowei News, các tổ chức đảng và nhà nước cấp dưới thường không dám loại bỏ các dòng được khắc trên đá hoặc gắn vào tường của các cựu lãnh đạo, nếu không có sự chuẩn thuận của cấp trên. Ví dụ gần đây nhất là Trường đại học Dầu khí Trung Quốc đã đã tẩy xóa chữ khắc của cựu sinh viên Chu Vĩnh Khang – cựu trùm an ninh hiện đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng. Trong khi đó Cơ quan công an Trùng Khánh cũng đã loại bỏ hòn đá khắc chữ của cựu thủ trưởng Vương Lập Quân, người hiện đang thụ án 15 năm tù vì tội đào tẩu vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô và tham nhũng.
Trường đảng Trung ương đã ra tuyên bố rằng tảng đá khắc chữ của cựu Tổng Bí thư, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân chỉ được “di chuyển sang chỗ khác” và bác bỏ những tin đồn vô căn cứ. Tuy nhiên, theo Duowei News, vẫn xuất hiện nhiều tin đồn ở Trung Quốc về của di sản chính trị cựu Tổng Bí thư, cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và việc ông có xuất hiện trên lễ đài của cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh ngày 3/9 hay không vẫn là một chủ đề được đồn đoán rộng rãi.
Một sự kiện đang chú ý nữa, theo Duowei News, là ban tổ chức đã mời các cựu chiến binh Quốc Dân đảng từng chiến đấu chống quân Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II tham dự cuộc diễu hành ngày 3/9 ở Bắc Kinh, bao gồm cả các cựu chiến binh Quốc Dân đảng hiện đang sinh sống tại Đài Loan. Nhiều cựu chiến binh trong số này nói rằng họ sẽ tham dự cuộc diễu binh cùng với các “đồng chí” ở Trung Quốc đại lục.
Động thái này nhận được lời khen ngợi của cựu chiến binh tin rằng công lao kháng Nhật của họ cuối cùng cũng được ghi nhận, trong khi những người nghi ngờ cho rằng đây là một mưu đồ chính trị của Bắc Kinh, vào thời điểm mà vùng lãnh thổ Đài Loan muốn đoạn tuyệt với quá khứ và coi Trung Quốc là một đất nước hoàn toàn khác biệt.
Giới phân tích nước ngoài nói cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh có động cơ chính trị rõ ràng nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và nâng cao vị thế cường quốc thế giới của Trung Quốc. Chính vì vậy mà nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã tẩy chay lễ duyệt binh ở Bắc Kinh vì lo ngại rằng nó có thể "gửi thông điệp sai lầm", do những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.