|
Biển Đông có dẫn đến xung khắc giữa Moscow và Bắc Kinh? |
Theo chuyên gia Sergei Luzyanin - Phó Giám đốc Viện Viễn Đông trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, khuôn khổ của quan hệ đối tác song phương Nga-Trung sẽ không thể kìm hãm những sáng kiến của Moscow về mở rộng vai trò của Liên bang Nga ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác năng lượng và an ninh. Quan hệ Trung-Nha cũng không thể kiềm chế xu thế đa dạng hóa các mối quan song phương mà Nga vốn xây đắp thành công với người bạn cũ là Việt Nam, cũng như phát triển các hình thức hợp tác song phương mới với những thành viên khác của ASEAN.
Các chuyên viên Trung Quốc thì giải thích theo lối của họ. Trong khi về nguyên tắc, tuy không phản đối sự phát triển các quan hệ song phương và đa phương của Nga với các nước trong khu vực, Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ tiêu cực trước thực tế Nga tăng cường hợp tác năng lượng với Việt Nam và những quốc gia khác mà Trung Quốc đang có "tranh chấp biển đảo".
Các tập đoàn năng lượng của Nga đang cố gắng tuân thủ "luật chơi" bất thành văn nào đó, cố gắng không hoạt động ở các vùng lãnh thổ tranh chấp. Nhưng như đã rõ, ranh giới của thềm lục địa tranh chấp được cắt nghĩa khác nhau ở Bắc Kinh, Hà Nội, Manila và những thủ đô khác của các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông. Và ở đây có thể xảy ra "hiểu lầm". Vấn đề khác nữa là trong những trường hợp này, cần có sự phân định nghiêm túc, tách chính trị khỏi thương mại, không tạo ra nguyên cớ để ngờ vực lẫn nhau và không phá hoại những lợi ích chiến lược chung.
Vào thời điểm hiện tại, có vẻ như Trung Quốc muốn thấy lập trường rõ ràng hơn của Liên bang Nga về "xung đột biển đảo" và muốn có sự ủng hộ của Nga về vấn đề "quốc tế hóa eo biển". Vấn đề ở đây trước hết là về eo biển Malacca. Bắc Kinh đang muốn sử dụng Nga như một động lực bổ sung nhằm hỗ trợ cho chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Tuyến đường biển phương Bắc có thể biến thành một đối trọng thay thế cho eo biển Malacca. Quả thực, “xung đột biển đảo” của Trung Quốc với hàng loạt nước ASEAN rõ ràng sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài (thậm chí còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn), cùng với hiện tượng khí hậu ấm lên và băng tan chảy. Lưu thông tàu thuyền theo đường biển phía Bắc sẽ trở nên thuận tiện hơn.
Những thành tố mới không thể phá vỡ quan hệ đối tác Nga-Trung đã được thiết lập, nhưng rõ ràng sẽ cần đến những điều chỉnh từ cả hai phía. Những điều chỉnh đó có liên quan đến mức độ và điều kiện của khả năng "quốc tế hóa" tuyến đường biển phương Bắc, hoạt động dầu khí của Nga trong vùng biển phía nam Đông Nam Á, mở rộng phạm vi hợp tác song phương Nga-Việt Nam, Nga-Philippines và vai trò của Nga đối với an ninh khu vực nói chung.