Trung Quốc “tự mua dây trói mình”

Google News

(Kiến Thức) - Bên ngoài khó có “kiềm chế” được sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng chính nước này lại tự “mua dây trói mình”.

"Con rồng cô đơn" ở Châu Á.
Giới chuyên gia và phương tiện truyền thông ở Bắc Kinh đã và đang cực lực chỉ trích chiến lược “xoay trục” của Mỹ là nhằm “kiềm chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thậm chí, một giáo sư ở Trung Quốc còn nhận xét: “Xoay trục là một sự lựa chọn rất ngu ngốc ... Mỹ sẽ không đạt được bất kỳ điều gì, ngoài việc chọc tức Trung Quốc. Trung Quốc không thể bị bên ngoài kiềm chế”.
Rõ ràng, Trung Quốc đã rất thành công trong việc hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Trung Quốc lên tới 536 tỷ USD trong năm ngoái. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Do hệ thống tài chính toàn cầu liên kết ràng buộc lẫn nhau, Mỹ khó có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc ngày càng hội nhập kinh tế với thế giới bên ngoài, có vẻ như các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã và đang tạo ra một môi trường khu vực… cảnh giác cao độ trước các mưu đồ của họ. Trung Quốc đã tiến hành một số động thái chiến lược gây tranh cãi và đánh động cộng đồng quốc tế. Kết quả là ngày càng có nhiều nước láng giềng của Trung Quốc tìm cách liên kết với nhau và nghiêng về phía Mỹ vì …lo sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể mang lại những hậu quả nguy hiểm cho lợi ích quốc gia.
Mẫu số chung của các cuộc xung đột lãnh thổ ở Đông-Nam Á chính là Trung Quốc
Một cuộc khảo sát về những năm gần đây cho một kết quả đáng lo ngại là Bắc Kinh đang dần dần tìm cách giành quyền bá chủ Châu Á. Hiện chưa rõ ý đồ giành quyền bá chủ Châu Á là một phần của kế hoạch tổng thể hay chỉ là một loạt sai lầm ngớ ngẩn vụng về ngoài ý muốn của các thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc, nhưng kết quả chỉ có một và đó là các nước láng giềng vô cùng lo ngại trước những mưu đồ của Bắc Kinh.
Tình hình Senkaku/Điếu Ngư trở nên căng thẳng đến mức nguy hiểm. 
Một ví dụ điển hình là căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dù Tokyo đã châm ngòi căng thẳng bằng cách “quốc hữu hóa” 3 hòn đảo trong quần đảo tranh chấp này, nhưng Bắc Kinh đã phản ứng thái quá - khi cử nhiều tàu công vụ, máy bay trinh sát và thậm chí cả máy bay chiến đấu đến gần khu vực tranh chấp. Nhật Bản đã phản ứng bằng cách phái máy bay chiến đấu đến khu vực và khiến cho tình hình trở nên căng thẳng đến mức nguy hiểm. Gần đây, một số phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lại đi quá đà, khi đặt vấn đề nghi vấn quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với Okinawa.
Nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, Thủ tướng theo đường lối cứng rắn Shinzo Abe đã tìm cách sửa đổi Hiến pháp hòa bình để tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. “Sách trắng quốc phòng 2013” của Nhật Bản nhấn mạnh: “Trung Quốc đã và đang cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực… Điều này là không phù hợp với trật tự hiện hành và luật pháp quốc tế”. Không những thế, Tokyo còn phản đối việc Trung Quốc gần đây dựng giàn khoan khí đốt gần khu vực gây tranh cãi ở Biển Hoa Đông. Mặc dù các giàn khoan nằm trong vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, nhưng phía Nhật Bản lo ngại rằng các giàn khoan này có thể “hút hết” khí đốt từ lãnh thổ Nhật Bản.
Căng thẳng ở “đại khu vực” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng cũng đụng chạm đến Ấn Độ, nước đã có tranh chấp biên giới với Trung Quốc kéo dài nhiều thập kỷ qua. Gần đây, căng thẳng đã được đẩy lên cao với việc một nhóm binh sĩ Trung Quốc vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LoAC) và cắm trại trong lãnh thổ Ấn Độ. Mặc dù sự cố này không dẫn đến xung đột, nhưng hành động gây hấn của Trung Quốc đang đẩy Ấn Độ ngả về phía Mỹ. Đó là chưa kể việc Trung Quốc ráo riết triển khai “Chuỗi ngọc trai” bao vây Ấn Độ và đưa tàu ngầm đến Ấn Độ Dương.
Đáng chú ý là tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Năm ngoái, Trung Quốc đã chiếm đoạt bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Căng thẳng lại leo thang cao độ vào mùa hè này, khi Trung Quốc đưa tàu hải quân, tàu công vụ và tàu cá hoạt động ở Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà phía Philippines chiếm đóng những năm 1990.
Sẽ là không chính xác khi đổ lỗi cho Trung Quốc là nguyên nhân gây ra tất cả những căng thẳng ở Châu Á, nhưng khốn nỗi mẫu số chung của tất cả các cuộc xung đột lãnh thổ chính là Trung Quốc.
Người khổng lồ không có bạn bè
Bất kể ý định của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh như thế nào trong những năm tới, cộng đồng quốc tế (và đặc biệt là các nước láng giềng) vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đạt được mục tiêu bá quyền của nước này trong khu vực, thậm chí không loại trừ việc sử dụng các thủ đoạn hiếu chiến.
Hậu quả của các hành động quyết đoán gần đây của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một môi trường cản trở nước này trở thành một siêu cường khu vực, chứ chưa nói tới siêu cường toàn cầu. Có thể nói, với hành động “bắt nạt” láng giềng, Trung Quốc đã tự “mua dây trói mình” và “tự kiềm chế” nước này trở thành cường quốc.
Bỏ qua chiến lược “xoay trục” của Mỹ, các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao-quân sự để chống lại hành động “bắt nạt” của Trung Quốc. Các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương buộc phải lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Việt Nam mua tàu ngầm của Nga. Đài Loan nỗ lực phát triển quân đội. Trong chuyến thăm Philippines gần đây, Thủ tướng Abe đã hứa hỗ trợ Lực lượng tuần duyên Manila. Không ít nhà phân tích cho rằng cuộc tập trận “đại qui mô” gần đây của Nga ở Siberia-Viễn Đông là ngầm cảnh báo Trung Quốc.
Cuộc tập trận “đại qui mô” gần đây của Nga ở Siberia-Viễn Đông ngầm cảnh báo Trung Quốc. 
Rốt cuộc, chỉ có Trung Quốc mới có thể hóa giải những nghi kị của cộng đồng thế giới và đảo ngược xu thế hiện nay. Liên quan đến câu chuyện “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”, Bắc Kinh chỉ có thể tự trách mình. Thái độ ngày càng độc đoán của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo đã dẫn đến căng thẳng gia tăng trong khu vực. Việc Trung Quốc đưa quân vượt biên xâm phạm lãnh thổ nước khác chỉ càng củng cố định kiến Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trong khu vực.
Trung Quốc nên nhớ rằng lịch sử cho thấy rằng sự trỗi dậy của các siêu cường thường gắn liền với những căng thẳng phát sinh. Học giả Graham Allison Harvard gần đây lưu ý rằng “kể từ năm 1500 đến nay, 11/15 trường hợp các siêu cường trỗi dậy dẫn đến… chiến tranh”.
Lê Chân (theo The Diplomat)

Bình luận(0)