|
Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi phương Tây chấm dứt tình trạng đối đầu và can thiệp.
|
Hassan Rouhani, một chính trị gia và giáo sĩ, vừa được bầu làm Tổng thống Iran vào tháng Sáu. Ông đã bày tỏ mong muốn can dự với phương Tây và kêu gọi chấm dứt "tình trạng đối đầu-can thiệp dẫn đến bạo lực-chia rẽ”.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ ở New York, Tổng thống Rouhani kêu gọi các quốc gia trên thế hợp tác để giải quyết những vấn đề gây tranh cãi như chương trình hạt nhân của Iran. Và ông Rouhani cũng đề nghị đứng ra môi giới để mang lại hòa bình cho Syria.
Do Iran hậu thuẫn chính phủ Syria, xem ra quân nổi dậy sẽ không bao giờ coi ông Rouhani là một nhà môi giới độc lập. Nhưng giọng điệu của tân Tổng thống Rouhani rõ ràng là “ít lửa hơn” so với Tổng thống tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
Bồ câu hay diều hâu?
Rouhani có tiếng là người ôn hòa và có khả năng hóa giải bất đồng, nhưng ông không phải là người “dập lửa”. Ông đã có một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực quốc phòng của Iran. Ông từng là tư lệnh lực lượng phòng không Iran, từng lãnh đạo 3 hội đồng quốc phòng và từng là Cố vấn an ninh quốc gia suốt 13 năm liền, trước khi ông Ahmadinejad lên làm tổng thống.
Rouhani cũng là một nhà trí thức am hiểu về ngoại giao và pháp lý. Ông có bằng tiến sĩ của một trường đại học ở Scotland và từng là chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Iran. Ông Rouhani từng là chủ bút của 3 tạp chí về nghiên cứu khoa học, chiến lược và chính sách đối ngoại.
Ông từng là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran 2003-2005 dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami, người sau này đã trở thành một trong những nhân vật hàng đầu trong “phong trào xanh” tiến hành các cuộc biểu tình đường phố phản đối việc Tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử trong năm 2009.
Quan hệ với nhà lãnh đạo tối cao Khamenei
Mối quan hệ giữa Tổng thống Rouhani và nhà lãnh đạo tối cao Khamenei không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió” và có khả năng sẽ trở nên phức tạp.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Rouhani là không ứng cử viên tổng thống yêu thích của nhà lãnh đạo tối cao Khamenei.
Nhưng nhà lãnh đạo Khamenei nói rằng ông không hề thiên vị bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào và cũng không cho biết mình đã bỏ phiếu cho ai.
Nhà lãnh đạo tối cao Khamenei và Hội đồng giám hộ của ông đã sàng lọc các ứng cử viên trước khi cuộc đua tranh chức tổng thống Iran bắt đầu. Trong số 680 nhân vật đăng ký chạy đua vào chức tổng thống, chỉ có 8 người lọt qua cửa ải sàng lọc của Hội đồng giám hộ. Hai người trong số này sau đó đã bỏ cuộc.
Lãnh đạo tối cao Khamenei đã chấp thuận việc ông Rouhani ra tranh cử tổng thống, sau khi gạt khỏi danh sách cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani .
Cựu Tổng thống Rafsanjani đã kêu gọi những người ủng hộ ông dồn phiếu cho ứng cử viên tổng thống Rouhani.
Rouhani là một giáo sĩ cao cấp và vẫn là thành viên của Hội đồng chuyên gia gồm 86 tăng lữ, một hội đồng có trách nhiệm bổ nhiệm hoặc loại bỏ lãnh đạo tối cao. Khi nhà lãnh đạo Khamenei “tuổi cao sức yếu” và việc bổ nhiệm người kế vị trở nên cần thiết, Tổng thống Rouhani sẽ có ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo tối cao tương lai.