Vì sao phương Tây chấp nhận đề xuất Nga về Syria?

Google News

(Kiến Thức) - “Lực bất tòng tâm” chính là lý do vì sao Châu Âu và Mỹ đã chấp nhận đề nghị của Nga về giải trừ vũ khí hóa học Syria.

 
Hiện thời, Nga đã trở nên mạnh hơn, Châu Âu vẫn còn lo giải quyết hậu quả khủng hoảng và Mỹ xem ra không còn đủ sức để phiêu lưu mạo hiểm như ở Iraq, Afghanistan.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảm thấy hài lòng, nhưng cuộc chiến chính vẫn còn ở phía trước. Đó là việc tranh cãi về một nghị quyết Liên Hợp Quốc về Syria, trong đó có việc áp dụng Chương 7 Hiến chương LHQ. Chương này quy định việc sử dụng các biện pháp trừng phạt, và thậm chí sử dụng vũ lực, chống lại các nước vi phạm nghị quyết hữu quan được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Nga kiên quyết loại trừ biện pháp can thiệp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Lịch sử đương đại đầy dẫy những ví dụ về cách diễn giải khác nhau của cường quốc hàng đầu thế giới về các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Khốn nỗi, sự diễn giải này thường mang màu sắc chính trị, đầy rẫy định kiến. Nếu mọi sự không được như ý, Mỹ và phương Tây sẵn sàng áp đặt quan điểm của mình, bỏ qua Liên Hợp Quốc, và điều này khiến Nga tức giận.
Giải quyết vấn đề vũ khí hóa học sẽ không giải quyết được tranh cãi chính giữa Nga và Mỹ về việc bên nào có lỗi trong cho cuộc nội chiến ở Syria. Chính vì vậy mà người ta không thể nói thỏa thuận Nga-Mỹ về vũ khí hóa học Syria là một thắng lợi ngoại giao lớn.
Đề nghị của Nga đã được chấp nhận bởi vì nó hứa hẹn giúp các bên thoát khỏi một tình thế khó xử và đó là làm thế nào để tránh được một cuộc chiến tranh mà không bị bẽ mặt.
Hồi đầu những năm 1990, khi cường quốc hàng đầu thế giới tin rằng các cuộc xung đột địa phương có thể được giải quyết bằng cách can thiệp, giúp đỡ “những người tốt” thay vì thỏa thuận hay thương lượng. Nhưng hiện thời, can thiệp quân sự đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và thế là tất cả các bên lại đề cao sự cần thiết của giải pháp ngoại giao.
Thế giới đa cực đã trở thành hiện thực. Mỹ đã nhận ra rằng nước này không thể “một mình thống trị thế giới” như trước đây. Hơn nữa, vốn đã quá mệt mỏi với vai trò lãnh đạo toàn cầu và đang phải chật vật để mưu sinh, người Mỹ không còn “nhiệt tình” bành trướng ảnh hưởng ra nước ngoài như trước.
Ngày càng có nhiều thế lực muốn gây ảnh hưởng đối với các vấn đề thế giới, nhưng “lực bất tòng tâm”: tham vọng của họ lại không luôn luôn được hỗ trợ bằng tiềm lực thực sự. Không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của mình đối với toàn thế giới vì thiếu đòn bẩy thực sự. Diễn biến gần đây ở Trung Đông đã chứng tỏ thực tế này.
Mặc dù “thế giới lưỡng cực” đã vĩnh viễn lui vào dĩ vãng, nhưng vai trò của Mỹ và Nga lại nổi lên trong kỷ nguyên mới. Hai nước này quả là không có đối thủ trong việc kết hợp kỹ năng ngoại giao và ý chí thực thi thỏa thuận.
Bị chia rẽ và mắc kẹt trong những vấn đề riêng của mình, Châu Âu không thể góp phần quan trọng vào giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn thích duy trì vai trò “hậu thuẫn”, không chịu đi tiên phong. Các ngôi sao đang lên như Ấn Độ và Brazil thì lại không biết làm thế nào để tiếp cận vấn đề vì thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Các cường quốc khu vực Saudi Arabia,Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lại là các bên can dự vào cuộc xung đột Syria.
Lê Chân (theo RIA Novosti)

Bình luận(0)