|
Thủ tướng Đức Angela Merkel nâng ly mừng "siêu chiến thắng".
|
Lịch sử vì bà Angela Merkel là lãnh đạo châu Âu duy nhất giữ được ghế qua cơn bão khủng hoảng kinh tế.
Thế nhưng, theo báo Pháp Le Figaro, trước mặt bà Angela Merkel là 4 năm bề bộn, với hàng đống việc phải làm. Là cường quốc kinh tế hàng đầu của Châu Âu, nước Đức vẫn đang đứng trước những thách thức lớn cần phải giải quyết để giữ được vị thế trên trường quốc tế.
Tờ báo liệt kê ra danh mục công việc cho chính phủ của bà Angela Merkel trong vòng bốn năm. Đđó là duy trì sức mạnh kinh tế của đất nước; sửa chữa bất bình đẳng xã hội; chuẩn bị cho sự đảo lộn về dân số; tiếp tục theo đuổi con đường hòa nhập của Châu Âu; tiến hành thành công chuyển đổi năng lượng sau khi từ bỏ điện hạt nhân; cải cách hệ thống phân chia và đóng góp của cải vật chất giữa các vùng nước Đức.
Do vai trò quan trọng của nước Đức tại Châu Âu, tờ báo thiên hữu Le Figaro quan tâm đến mối quan hệ Pháp-Đức sau diễn biến của cuộc bầu cử này. Theo tờ báo, chính phủ Pháp phải năng động hơn nữa để không bị người láng giềng bỏ xa, nhất là về kinh tế, để trục Pháp-Đức thực sự là đầu tàu của Châu Âu và đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.
Le Figaro kêu gọi Tổng thống Pháp François Hollande hãy rút ra bài học từ chiến thắng của bà Angela Merkel đó là chính sự thành công của một mô hình kinh tế xã hội mà người Pháp đang mong muốn noi theo.
Trái ngược với nhiều tờ báo khác, nhật báo l’Humanité nhận thấy chiến thắng của Thủ tướng Angela Merkel “không phải là một tin vui”. Tờ báo đăng bài với dòng tít “Đức: Lại thêm 4 năm đổ vỡ với Merkel”.
L’Humanité nhận định: “Việc Angela Merkel tiếp tục cầm quyền sẽ làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ mà Liên minh Châu Âu phải chịu đựng. Lãnh đạo cường quốc kinh tế số một của châu lục, bà Merkel đã ủng hộ sự trị vì của thị trường tài chính, phá vỡ đoàn kết, thay thế bằng thói ích kỷ, sự miệt thị của kẻ mạnh đối với kẻ yếu và tiếp sức cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.
Tờ báo này cho rằng bà Merkel là “lãnh đạo châu Âu đầu tiên được bầu lại từ khi có cuộc khủng hoảng năm 2008” chỉ vì bà ta đã làm cho dân Đức tin rằng “chính bà đã giúp họ tránh được những điều tồi tệ nhất và chính bà đã bảo vệ họ trước những thèm khát của không ít kẻ lười nhác đang túm tụm bên ngoài biên giới nước Đức”.