Khi ông Tập và ông Trump gặp nhau vào tuần này tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago, họ mang theo một điểm chung đó là từng tuyên bố về việc làm cho đất nước mình vĩ đại trở lại. Thế nhưng hai người đàn ông quyền lực bậc nhất thế giới lại khác nhau gần như trên mọi khía cạnh, từ phong cách chính trị đến kinh nghiệm ngoại giao.
5 tháng sau cuộc bầu cử với những tuyên bố chống Trung Quốc, Tổng thống Trump dường như đưa mình vào thế đối lập hơn là hâm nóng mối quan hệ với người đồng cấp. Những nghi ngại rằng hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu không thể tìm thấy điểm chung ngày càng xuất hiện nhiều hơn, làm gia tăng tính bất định của mối quan hệ song phương được xem là quan trọng hàng đầu thế giới.
Ít điểm chung, nhiều đối lập
Theo Reuters, trọng tâm chương trình nghị sự trong Cuộc gặp Trump-Tập diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida sẽ là việc liệu ông có thể dùng mối quan hệ thương mại tối quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc để gây sức ép khiến Bắc Kinh phải làm nhiều hơn trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ông Trump, một trùm bất động sản 70 tuổi không hề có kinh nghiệm ngoại giao trước khi vào Nhà Trắng, đã nói trên Twitter rằng cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc sẽ "rất khó khăn" trong bối cảnh ông cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã "giết chết" công ăn việc làm của người Mỹ.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty. |
Tổng tư lệnh nước Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh phải nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề Triều Tiên, thách thức an ninh quốc gia lớn nhất của ông Trump. Washington sẽ đơn phương hành động trước những nguy cơ từ Bình Nhưỡng, vốn tuyên bố sắp chế tạo xong một loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn đến Mỹ.
Một số trợ lý ở Nhà Trắng tin rằng con rể của ông Trump kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner có thể có tiếng nói ảnh hưởng đến cách ông Trump xử lý cuộc gặp với ông Tập vào ngày 6 và 7/4. Những mối liên hệ giữa Kushner và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ được cho là đã dọn đường êm thấm cho cuộc gặp.
Dù vậy, điều khiến những người Trung Quốc vốn đặc biệt lưu tâm đến vấn đề lễ nghi ngoại giao là nguy cơ ông Trump vốn rất khó đoán có thể làm xấu mặt Chủ tịch Tập một cách công khai. Nỗi lo này càng trở nên rõ ràng sau khi Bắc Kinh chứng kiến các cuộc gặp giữa tân tổng thống Mỹ với lãnh đạo thế giới từ Nhật đến Anh, Canada.
"Đảm bảo Chủ tịch Tập không mất thể diện là ưu tiên hàng đầu đối với Trung Quốc", một quan chức Trung Quốc trả lời Reuters.
Những cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Mỹ với người đồng cấp Trung Quốc vốn thường tuân theo kịch bản một cách chặt hơn với những nhà lãnh đạo nước ngoài khác. Đây là điều mà các quan chức Trung Quốc yêu cầu để đảm bảo rằng họ được đối xử với nghi lễ mà họ cho là phù hợp với vị thế một cường quốc toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc gặp lần này hoàn toàn là một sự đối lập. Ông Donald Trump nóng vội, trực tính và sẵn sàng tung ra những dòng tweet giận dữ, trong khi ông Tập luôn cho thấy vẻ ngoài điềm đạm, thận trọng và không hề hiện diện trên mạng xã hội.
|
Chủ tịch Tập xuất thân từ gia đình chính trị, có vẻ ngoài điềm đạm, cẩn trọng, hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Trump. Ảnh: Getty. |
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa, điểm chung trong cách tiếp cận của hai nhà lãnh đạo, có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Trump khăng khăng cho rằng Mỹ đã bị những nước như Trung Quốc gian lận thương mại trong hàng thập kỷ và Mỹ phải giành lại vinh quang của mình trong khi ông Tập muốn Trung Quốc, một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, có thể tăng cường ảnh hưởng của mình trên vũ đài chính trị thế giới.
"Ông Trump và ông Tập Cận Bình vốn không phải là những người bạn", một cựu quan chức cấp cao Mỹ chuyên về châu Á nhận định. "Vấn đề là khi 'Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại' của ông Trump đụng độ 'Giấc mộng Trung Hoa' của ông Tập, chuyện gì sẽ xảy ra".
Nghệ thuật đàm phán của ông Trump
Người ta vẫn chưa rõ là ông Trump sẽ đi bao xa trong việc biến những tuyên bố nặng tinh thần dân túy trở thành chính sách có thể gây sức ép với Trung Quốc trong bối cảnh không nước nào có thể chống chọi nếu chiến tranh thương mại xảy ra.
Tuy nhiên, các trợ lý tại Nhà Trắng cho hay ông Trump sẽ không tung nắm đấm, đặc biệt là trong vấn đề thương mại mà ông vốn giữ quan điểm thẳng thắn trong nhiều thập kỷ. Điều này làm gia tăng ngờ vực về việc liệu hai nhà lãnh đạo có thể tìm thấy điểm chung trong vấn đề Triều Tiên hay vấn đề yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Trump có thể thuyết phục ông Tập, một người xuất thân từ gia đình chính trị cũng như nổi tiếng là một chính trị gia cứng rắn.
"Ông Tập trước giờ vốn thể hiện rất tốt trong những hoàn cảnh như thế này", Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington D.C., nhận định.
|
Trung Quốc lo lắng về việc ông Tập rơi vào tình huống khó xử như cái bắt tay 19 giây giữa Thủ tướng Abe (trái) và ông Trump hồi tháng 2. Ảnh: Getty. |
Trong khi ông Trump nhậm chức tổng thống chưa đầy 10 tuần, ông Tập đã thực hiện chiến lược về Mỹ của mình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013.
Là con trai của một lãnh đạo cách mạng, ông Tập đã tìm mọi cách để quảng bá rộng rãi trên trường quốc tế hình ảnh một người ủng hộ toàn cầu hóa, trong khi cùng lúc ông Trump khiến cả thế giới hoang mang về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn cẩn trọng trước những cạm bẫy họ có thể mắc phải nếu ông Trump bỗng "thoát ly kịch bản".
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng "mắc kẹt" trong cú bắt tay kéo dài 19 giây có vẻ không mấy thoải mái với ông Trump hồi tháng 2 tại Nhà Trắng. Cuối tháng trước, tổng thống Mỹ lại dường như phớt lờ đề nghị bắt tay của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một hội nghị.
Tin tức về cuộc điện đàm gay gắt giữa ông Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng khiến Bắc Kinh quan ngại đặc biệt.
Dù vậy, quyết định gặp gỡ được cho là khá sớm trong nhiệm kỳ của ông Trump cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều nhìn thấy giá trị của việc cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo.
Ông Trump sẽ bước vào cuộc gặp với những khoảng trống nghiêm trọng trong đội ngũ cố vấn về chính sách châu Á, cũng như chính sách Trung Quốc của ông vẫn chưa được hoạch định một cách rõ ràng.
Các quan chức của chính quyền mới tại Washington cho rằng ông Trump có thể dùng đến những kỹ thuật bán hàng trong cuốn "Art of the Deal" (Nghệ thuật thương thảo) của mình để thuyết phục ông Tập rằng Trung Quốc cần Mỹ hơn là Mỹ cần Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề thị trường.
|
Cuộc gặp lần này giữa ông Trump và ông Tập được cho là nhằm mục đích tương tự cuộc gặp "làm quen" giữa ông Tập và cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2013. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên các nhà phân tích nhận định Trung Quốc đủ khôn ngoan về địa chính trị để gạt đi đòi hỏi của Mỹ. Ông Tập có lẽ cũng đã nhìn thấy và tận dụng những thất bại về đối nội của ông Trump từ lệnh cấm nhập cảnh đến chương trình cải cách y tế, cũng như mức độ tín nhiệm thấp dành cho tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Trước đó, ông Trump đã nhượng bộ trong vấn đề nhạy cảm nhất với Trung Quốc là Đài Loan, sau khi ngụ ý rằng ông sẽ từ bỏ chính sách "Một Trung Quốc" mà Washington duy trì từ năm 1979. Trump có lẽ đã cảm thấy ông cần được Bắc Kinh đền đáp theo kiểu có qua có lại.
Cả hai bên đều không đặt quá nhiều kỳ vọng về những kết quả cụ thể từ cuộc gặp được xem là để "làm quen" này, tương tự cuộc gặp giữa ông Tập và cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2013 tại Sunnylands.
Dù gì đi nữa, không giống chuyến đi đến Mar-a-Lago của Thủ tướng Abe hồi tháng 2, lần này sẽ không có buổi chơi golf nào. Chủ tịch Tập cho rằng sân golf đi liền với các giao dịch mờ ám và đã cấm quan chức chơi golf như một phần của chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" mà ông khởi xướng tại Trung Quốc.