Bầu cử Myanmar: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Google News

(Kiến Thức) - Sau chiến thắng của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ  trong tổng tuyển cử  ngày 8/11, mọi sự chú ý đổ dồn vào những gì sẽ xảy ra ở Myanmar.

Bốn ngày sau cuộc tổng tuyển cử lịch sử ngày 8/11 ở Myanmar, có một điều rõ ràng là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng áp đảo.
Bau cu Myanmar: Dieu gi se xay ra tiep theo?
Đảng NLD của bà Suu Kyi thắng cử áp đảo, nhưng quân đội Myanmar vẫn nắm quyền uy tối thượng. 
NLD khoe đảng này đang trên đường giành hơn 80% số ghế trong cơ quan lập pháp và hội đồng khu vực được đem ra bầu và giáng đòn mạnh vào đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), nhánh chính trị của quân đội Myanmar có quyền uy tối thượng.
Phe đối lập thắng cử “long trời lở đất”
Hơn 30 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tương đối tự do đầu tiên ở Myanmar kể từ năm 1990. Mặc dù Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) đã nhỏ giọt công bố kết quả chính thức, chiến thắng của phe đối lập thật đáng kinh ngạc: Đến tối Thứ Tư (11/11), Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành được 256 trong 294 ghế được công bố. Liên minh Nghị viện Myanmar (Thượng viện và Hạ viện) có tổng cộng 664 ghế.
Cứ theo đà này, NLD dễ dàng vượt xa đa số cần thiết trong Quốc hội Myanmar để giành quyền thành lập chính phủ và bầu chọn tổng thống tiếp theo. Sự thành công của NLD đã dựa nhiều vào uy tín của lãnh tụ Aung San Suu Kyi.
Vào tối Chủ Nhật (8/11), đám đông ủng hộ NLD đã đổ xuống đường ở tất cả các thành phố lớn của Myanmar như Yangon, Mandalay và các thành phố khác để ăn mừng chiến thắng.
Mức độ thất bại của đảng cầm quyền USDP đã được bộc lộ rõ qua sự thất cử của các quan chức đảng chóp bu. Cựu Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann – người đã bị USDP cách chức  trong một cuộc đảo chính nội bộ đảng hồi tháng Tám – đã thừa nhận thất bại trên Facebook vào sáng Thứ Hai (9/11). Ngoài ra, trong số các chính khách bại trận có quyền Chủ tịch của USDP Htay Oo, người đã cụt lủn nói với phóng viên: "Chúng tôi đã thua”.
Nhiều ứng viên thất cử của  USDP vốn là sĩ quan cao cấp trong chính quyền quân sự đã chuyển giao  quyền lực cho chính phủ bán dân sự của Tổng thống Thein Sein trong năm 2011, sau gần năm thập kỷ cai trị của quân đội.
Quân đội Myanmar vẫn có quyền uy tối thượng
Thế nhưng, bất chấp thất bại thảm hại của đảng cầm quyền  USDP, quân đội Myanmar vẫn có quyền uy tối thượng. Hiến pháp Myanmar – do  chính quyền cũ soạn thảo và được thông qua trong  một cuộc trưng cầu dân ý năm 2008 – đã giành riêng 25% tổng số ghế trong Liên minh Nghị viện (Quốc hội) cho các ứng viên quân sự. Hiến pháp này cũng đảm bảo rằng các bộ mạnh nhất - Quốc phòng, Nội vụ và Biên phòng - vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân đội. Điều 59 (f) của Hiến pháp Myanmar cũng đã loại trừ khả năng đưa thủ lĩnh NLD là bà Suu Kyi lên làm tổng thống do bà này có chồng và hai con là công dân nước ngoài (công dân Anh).
Ngay cả khi hội đủ ¾ số phiếu ủng hộ trong Quốc hội lưỡng viện để sửa đổi hiến pháp, quân đội Myanmar vẫn có quyền quyền phủ quyết bất kỳ sự thay đổi hiến pháp nào.
Mark Farmaner, giám đốc tổ chức Burma Campaign (Chiến dịch vận động Myanmar) ở Anh, nói rằng chính phủ mới của NLD có thể đưa ra các biện pháp cải cách trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và nông nghiệp, nhưng khó có thể cải cách trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh hoặc  tốc độ cải cách dân chủ. Ông Farmaner nói: "Quân đội sẽ sử dụng hiến pháp trói tay chính phủ mới" và mô tả Hiến pháp Myanmar chính là "bức tường gạch chặn ngang con đường cải cách”.
Cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn
Do đó chính quyền sắp tới của Myanmar sẽ có hình hài kỳ lạ: một chính quyền hỗn hợp bao gồm NLD và quân đội. Đó chính là hai cực của cuộc đấu tranh chính trị kéo dài nhiều thế hệ ở Myanmar: cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn  giữa cải cách dân chủ và độc tài quân sự.
Chính phủ mới ở Myanmar sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức khó khăn. Mặc dù việc chính phủ cũ đã ký kết được một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng trước, các khu vực của sắc tộc thiểu số  vẫn không ổn định và chiến sự tái bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vết đen tối nhất của cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 là việc tước quyền bầu cử của hơn một triệu người Hồi giáo Rohingya sống ở bang ven biển Rakhine ở phía tây của đất nước. Họ bị coi là những người di cư bất hợp pháp đến từ Bangladesh, mặc dù nhiều người đã sống ở Myanmar nhiều thập kỷ và sinh trưởng ở đất nước theo đạo Phật này. Nhiều cử tri ở các vùng dân tộc thiểu số ( kể cả ở hai bang Shan và Kachin) cũng đã không thể tham gia bầu cử vì các địa điểm bầu cử bị hủy bỏ do xung đột và bất ổn.
Với chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử, bà  Suu Kyi tuyên bố sẽ giải quyết những vấn đề này theo cách riêng của mình. Khi NLD nắm quyền, bà Suu Kyi tuyên bố sẽ tập trung vào việc sửa đổi hiến pháp.
Trong thời gian trước mắt, bà Suu Kyi tuyên bố sẽ ở vào vị trí còn “ trên cả tổng thống". Trả lời phỏng vấn ngày 10/11, bà nói thẳng ra rằng bất kỳ ai được NLD đề cử làm tổng thống Myanmar đều phải  “biết chính xác những gì người này có thể làm” và phải “hành động phù hợp với các quyết định” của đảng cầm quyền.
Cho đến nay, các đối thủ của NLD đã tỏ ra có thái độ hòa giải. Hôm 11/10, NLD đã nhận được một thông điệp của Bộ trưởng Thông tin Ye Htut chúc mừng thắng lợi của đảng, thay mặt Tổng thống Thein Sein. Thông điệp này cam kết rằng chính phủ cũ sẽ tôn trọng ý nguyện của cử tri và chuyển giao quyền lực hòa bình "theo pháp luật”.
Sau đó, quân đội Myanmar cũng chúc mừng thắng lợi của NLD và cam kết sẽ tham gia cuộc đối thoại “hòa giải dân tộc” giữa NLD và Tổng thống Thein Sein cùng Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann vào tuần tới.
Nhà phân tích chính trị Yan Myo Thein ở Yangon cho rằng quân đội có khả năng sẽ làm việc "tích cực và mang tính xây dựng" với NLD, nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ “đặc quyền đặc lợi” được ghi trong hiến pháp. Theo ông, ít có khả năng quân đội cho phép “sửa đổi hiến pháp vốn làm suy yếu qui chế đặc biệt của giới quân sự”.
Richard Horsey, một chuyên gia phân tích hàng đầu về chính trường Myanmar, đã nhận định trước thềm bầu cử rằng việc tạo ra một chính phủ hữu hiệu để giải quyết vấn đề khó khăn nhất của đất nước sẽ phụ thuộc vào các mối quan hệ giữa tổng thống do NLD đề cử và Tư lệnh quân đội Myanmar. Ông nói:  "Nếu hai vị nói trên có được một sự khởi đầu tồi tệ, mối quan hệ này khó có thể hàn gắn”. Chính vì vậy mà cả hai bên đều có những bước đi thăm dò vô cùng thận trọng.
Minh Châu (Theo The Diplomat)

Bình luận(0)