|
Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng ân cần kèm từng nét chữ cho các em tại lớp học tình thương. Ảnh: KHÁNH NGUYÊN |
Thiếu tá Tưởng về nhận công tác tại Đồn biên phòng Cầu Bóng từ năm 2004 và được cấp chỉ huy giao phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Trong quá trình đi địa bàn, anh bắt gặp nhiều em nhỏ lang thang nhặt rác, khi tiếp cận hỏi thăm thì mới biết các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, không được đến trường. Những điều đó khiến anh Tưởng nhiều đêm trăn trở, thổn thức vì thương cho các cháu, các em nhỏ, không biết tương lai các em sẽ ra sao.
Đầu năm 2004, Thiếu tá Tưởng đề xuất mở lớp dạy chữ cho các em nhỏ do anh đứng lớp và được lãnh đạo Đồn Biên phòng Cầu Bóng và UBND phường Vĩnh Phước ủng hộ nhiệt tình. UBND phường Vĩnh Phước đã dành hẳn nhà văn hóa tổ 19, phường Vĩnh Phước để làm lớp học.
Mỗi em trong lớp học của anh Tưởng có hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Nhiều em bố mẹ đi tù do vi phạm pháp luật, bố mẹ bỏ nhau hoặc bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Từ nhỏ, các em đã phải phụ giúp gia đình kiếm sống bằng việc bưng bê ở các nhà hàng, bán vé số dạo, làm việc ở quán bi-a… “Ban đầu chỉ có 5, 6 học trò đến lớp. Việc vận động các cháu đi học hết sức gian nan, thậm chí bị các cháu phản ứng rất dữ dội, nói tục, chửi bậy. Tôi đến từng nhà để động viên bố mẹ; nhờ hàng xóm, đoàn thể khuyên bảo các em đến lớp. Lúc mới đến học, các em đến chỉ để chơi chung với các bạn, thích về thì về. Các em bỏ về nhưng thấy bạn học thì lại buồn. Rồi tò mò và cuối cùng nhận vở nhận sách đi học”, Thiếu tá Tưởng kể lại.
Trung tá Bùi Văn Tụng - Chính trị viên Đồn biên phòng Cầu Bóng, cho biết: “Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng là một tấm gương sáng cho các chiến sĩ trong đơn vị noi theo. Việc duy trì lớp học trong thời gian dài xuất phát hoàn toàn từ tình thương và sự tự nguyện của đồng chí Tưởng. Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp cho lớp học, tạo điều kiện cho các em đi thực tế, tham quan để các em mở mang kiến thức và biết thêm nhiều điều hay lẽ phải. Nhờ lớp học của thầy giáo Tưởng, tệ nạn xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn đã giảm rõ rệt”.
Tài sản vô giá của người thầy
Lớp học của Thiếu tá Tưởng hiện có hơn 45 học sinh với tuổi đời từ 6 đến 18 tuổi. Các em trước khi vào lớp sẽ được thầy kiểm tra trình độ và xếp vào nhóm phù hợp. Tấm bảng trắng được chia thành 3 trang giáo án cho từng nhóm lớp. Với đặc điểm địa bàn là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội, Thiếu tá Tưởng còn phải dạy các em cách làm người. Anh dạy cho các em một số kỹ năng cơ bản để vận dụng vào cuộc sống, giáo dục đạo đức, nhân cách.
Đến giờ, Thiếu tá Tưởng đã chèo lái cho hơn 200 “khách” sang sông và tài sản lớn nhất mà người thầy này nhận lại được là nhìn các học trò của mình trưởng thành, dần tìm thấy ánh sáng cuộc đời. Thiếu tá Tưởng cho hay, hầu hết các em học sinh sau khi học xong chương trình này cơ bản đã lớn, đến tuổi biết đi làm phụ giúp cha mẹ kiếm tiền. Do đó các em xin thầy nghỉ để ra ngoài đi làm, đi học nghề. Sau khi ra đời, thầy trò vẫn thường xuyên chuyện trò với nhau, hoặc đến lớp thăm thầy. Có những em sau khi đã trưởng thành, lập gia đình vẫn tiếp tục gửi con đến học lớp của thầy.
Thiếu tá Tưởng vẫn còn nhớ như in về cậu học trò Phạm Đại Hàn: “Thời gian đầu Hàn không chịu học, tôi cũng thuyết phục, tạo điều kiện để em đến lớp ngồi chơi với bạn bè. Vài hôm sau, em tự giác đến gặp thầy xin sách vở để học. Giờ Hàn đã lớn và đi làm, mỗi khi rảnh vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe của thầy, tình hình lớp học. Thỉnh thoảng Hàn vẫn thường tâm sự rằng khi xưa thầy hay la mắng em nhưng giờ em mới hiểu nếu không có thầy, chắc em vẫn còn đang sống trong bóng tối”.
Gần đây nhất, có 4 em học sinh của thầy Tưởng khi đi chơi ở khu vực Hòn Chồng (thành phố Nha Trang) đã nhặt được 1,7 triệu đồng. Nhớ lời thầy dạy “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”, các em đem về báo thầy và được thầy hướng dẫn lên trình báo tại công an. Sau đó, các em đã được trao tặng giấy khen tại Hội nghị tuyên dương gương “người tốt, việc tốt”.