Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB cùng các đơn vị có liên quan, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 86 bị can.
Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố 3 tội danh Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và đưa hối lộ.
Đáng chú ý, để đảm bảo khắc phục hậu quả, quá trình điều tra, C03 đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê phiên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
|
Cơ quan điều tra đã thực hiện việc kê biên và tạm giữ hàng nghìn tài sản của Trương Mỹ Lan, bao gồm nhà đất, sổ đỏ, tiền mặt, du thuyền…
|
C03 đã thu giữ tổng số tiền là gần 599 tỷ đồng và gần 15 triệu USD liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan và các bị can. Đồng thời, phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và cá nhân đứng tên hộ bị can, tổng số tiền phong tỏa là 1.896 tỷ đồng và gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch với số dư 789,8 tỷ đồng trong tài khoản mở Ngân hàng SCB.
Cơ quan điều tra đã kê biên khối tài sản đồ sộ của bị can Trương Mỹ Lan. Cụ thể, C03 tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.
C03 cũng tiến hành kê biên đối với 1.237 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ, kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can trong vụ án.
Ngoài ra, C03 cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm: 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên. Bên cạnh đó còn có 1 sổ tiết kiệm, thiết bị điện tử và các đồ vật khác.
Đối với hành vi đưa nhận hối lộ 5,2 triệu USD liên quan cán bộ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều tra cho hay đã thu hồi hơn 5,3 triệu USD.
Liên quan vụ việc bị can Nguyễn Cao Trí lừa đảo, chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan, kết luận điều tra thể hiện ông Trí đã tác động gia đình nộp 640 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Cảnh sát cũng kê biên của Nguyễn Cao Trí 7 bất động sản trị giá 266 tỷ đồng; thu giữ hơn 93 tỷ đồng tiền mặt. Tổng số tiền ông Trí bị kê biên, tạm giữ đã vượt 1.000 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng vai trò hạt nhân, kiểm soát toàn bộ hoạt động các công ty khác nhưng không tham gia trực tiếp kinh doanh. Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp trong đó Ngân sách SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, có vai trò như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan chỉ đứng tên nắm giữ gần 5% cổ phần SCB nhưng lại thông qua các cá nhân thân tín và các pháp nhân khác để sở hữu từ 85% đến 91,5% cổ phần SCB. Dù không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng SCB, nhưng Trương Mỹ Lan là người có quyền hạn tại ngân hàng này từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay.
Với việc nắm giữa số Cổ phần chi phối hoạt động, bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (Hội đồng quản trị, Ban điều hành) nên mọi hoạt động của Ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của Trương Mỹ Lan.
Ngân hàng SCB được phép "nhận tiền gửi" của các cá nhân, tổ chức, quản lý tiền huy động để hoạt động kinh doanh "cấp tín dụng" cho khách hàng vay vốn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, nhưng thay vì điều hành hoạt động quy định của pháp luật, Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền hạn của mình để chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ để rút tiền phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.
Các hồ sơ cho vay này thực chất không phải là hồ sơ vay vốn quy định của pháp luật, sai phạm được xác định cụ thể trong các hồ sơ cho vay là: Các pháp nhân cá nhân vay vốn do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra không phải là người có nhu cầu vay vốn thật hoặc phương án vay vốn khống vì tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan. Tài sản đảm bảo đưa vào chỉ là phương thức thủ đoạn, vi phạm trình tự thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo, về giá trị và tính pháp lý, vi phạm các quy định... nhằm hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc, từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào các mục đích của Lan.
Trong đó, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bị can Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ 545.039.379.476.224 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.
Về tội Tham ô tài sản đối với bị can Trương Mỹ Lan, Cơ quan điều tra cáo buộc về bản chất việc đưa tài sản bảo đảm vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội, có nhiều tài sản bảo đảm không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị, đưa vào thế chấp tại Ngân hàng SCB làm phương án vay.
Trong đó, 684/1.284 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân; nhiều khoản vay được giải ngân trước rồi mới hợp thức hồ sơ vay và tài sản đảm bảo; 201/1.284 khoản chưa có phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền; Các bị can tại Ngân vay hàng SCB đều đã khai nhận chỉ ký thủ tục hợp thức, không thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay theo quy định pháp luật và quy trình của Ngân hàng SCB về việc cho vay.
Do vậy, có đủ căn cứ xác định toàn bộ số tiền gốc 415.666.604370.480 đồng mà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn hợp thức để rút ra khỏi Ngân hàng SCB đến nay còn dư nợ không trả được là số tiền mà cựu chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB.
Do có khoản vay được đảm bảo hơn 111.570.325.961.024 nên Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm của SCB đoạt số tiền 304.096.278.409.456 đồng. Ngoài ra, hành vi Tham ô tài sản của Lan còn gây thiệt hại số tiền 129.372.775.105.744 đồng là số tiến lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo hoàn toàn hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), có vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn.
Hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi "cố ý trực tiếp", có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có kịch bản. Các bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện phạm tội.
Theo C03, đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ