Mới đây, giá xăng A95 tiếp tục giảm còn 22.580 đồng/lít, xăng E5 còn 21.780 đồng/lít. Giá dầu diesel cũng giảm mạnh còn 22.536 đồng/lít. Như vậy, đến nay giá xăng đã giảm 11 lần và nếu so với mức giá đỉnh gần 33.000 đồng/lít hồi đầu tháng 7 thì hiện giá xăng đã giảm hơn 30%. Mức giá xăng hiện tương đương thời điểm tháng 10-2021.
Thế nhưng thị trường hàng hóa vẫn chưa đồng loạt giảm theo giá xăng.
Giá hàng hóa nơi giảm, nơi không
Khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy giá cước vận tải đã giảm theo giá xăng. Cụ thể, giá cước taxi, xe khách, xe chở hàng hóa giảm khoảng 10%-15% so với cách nay hơn một tháng.
Đại diện một công ty vận tải ở TP.HCM giải thích rằng giá xăng dầu giảm mạnh giúp công ty có cơ sở giảm giá cước vận chuyển hàng hóa lẫn hành khách. Bởi chi phí nhiên liệu thường chiếm tới 35%-40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên khi giá nhiên liệu giảm giúp giới kinh doanh vận tải giảm áp lực chi phí đầu vào.
Với việc xăng giảm mạnh, người tiêu dùng kỳ vọng giá các mặt hàng sẽ giảm mạnhhơn nữa. Ảnh: HOÀNG GIANG
Giá xăng dầu giảm không chỉ kéo giá cước vận tải giảm theo mà còn giúp giá một số mặt hàng thiết yếu hạ nhiệt. Tại một số chợ truyền thống ở quận Tân Bình (TP.HCM), giá thịt heo giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cách nay hơn hai tháng. Giá gà công nghiệp giảm 8.000-10.000 đồng/kg so với một tháng trước đó. Giá nhiều loại cá đồng cũng giảm 5%-7%.
Bà Đỗ Thị Dậu, Trưởng Ban quản lý Hệ thống bán lẻ Satra, cho biết đơn vị đã làm việc với nhà cung cấp để hàng hóa đến tay khách hàng với giá tốt nhất. Chẳng hạn, tất cả hàng hóa Satra đang kinh doanh, kể cả hàng công nghệ lẫn hàng tươi sống đều giảm trên 10%.
“Khi giá xăng dầu giảm nhiều, chúng tôi làm việc với nhà cung cấp để tiếp tục mang đến hàng hóa có giá hợp lý nhất cho người tiêu dùng” - bà Dậu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thị trường nhiều mặt hàng vẫn neo ở mức cao hoặc giảm không đáng kể so với lúc giá xăng ở đỉnh gần 33.000 đồng/lít. Bà Hạnh, nhà ở quận Tân Phú (TP.HCM), nhận xét từ khi xăng dầu giảm, đi chợ hằng ngày bà thấy giá một số mặt hàng rau củ không giảm bao nhiêu. Đơn cử như cà chua, đậu cô ve hiện vẫn ở mức 30.000 đồng/kg.
“Tôi hỏi người bán vì sao giá rau củ không giảm mạnh theo giá xăng? Người bán trả lời rằng giá rau có giảm nhưng chưa nhiều vì lượng hàng về ít và chi phí sản xuất, nuôi trồng của nhà vườn chưa giảm” - bà Hạnh chia sẻ.
Tại một số siêu thị và chợ truyền thống, giá dầu ăn chỉ giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/chai loại 1 lít. Mức giảm này là quá ít nếu so với mức tăng trước đó, thậm chí tại một số điểm bán, giá các loại dầu ăn vẫn neo ở mức giá cũ. Tương tự, giá các mặt hàng trứng gia cầm vẫn đứng im hoặc giảm nhỏ giọt.
Chưa giảm vì nhiều lý do
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, lý giải rằng xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu giá thành của ngành sản xuất trứng gia cầm. Mặt khác, đến thời điểm này dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng công ty vẫn chưa nhận được thông báo từ các nhà cung cấp giảm giá hàng hóa. Thêm nữa, hiện nay chi phí nguyên vật liệu chính chiếm 80% giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Giá trứng gà, trứng vịt thu mua tại trang trại vẫn đang ở mức cao. Chưa kể giá trứng gà, trứng vịt trong chương trình bình ổn đang thấp hơn thị trường 5%-10% nên chúng tôi đang bán lỗ. Vì vậy, giá trứng gia cầm vẫn khó giảm theo xăng dầu” - ông Thiện phân trần.
Đại diện nhiều công ty khác cũng đưa ra lý do tương tự. Họ cho rằng mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng nguyên vật liệu đầu vào vẫn cao, cộng thêm tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia khiến các doanh nghiệp lo ngại… sang năm giá nguyên liệu tiếp tục tăng càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, họ chưa tính toán đến chuyện giảm giá hàng hóa.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cũng cho biết gần đây giá xăng dầu quay đầu giảm gần bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong giai đoạn chống dịch, các doanh nghiệp cơ bản cố gắng không điều chỉnh tăng giá hàng hóa. Bên cạnh đó, tùy từng doanh nghiệp mà giá xăng dầu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào giá thành sản xuất khác nhau, nên việc tăng/giảm giá hàng hóa theo giá xăng dầu cũng khác nhau.
“Thời điểm hiện nay, các nhà sản xuất, kinh doanh đang đối diện với nhiều vấn đề phát sinh như lạm phát mạnh ở nhiều nước, nguồn vốn thiếu hụt, chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu tăng 15%-40% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát” - ông Dũng nói.
Sở Tài chính TP HCM cũng dẫn báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết giá xăng dầu giảm thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Nguyên nhân do giá xăng dầu thường chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ 2%-4% trong cơ cấu giá thành sản phẩm.
Trong khi chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vẫn còn cao. Do đó, hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường chưa thể điều chỉnh giảm và các doanh nghiệp đang cố gắng hết sức để giữ giá ổn định. Sở đang tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp tính toán tiết giảm chi phí đầu vào để giảm giá bán hàng hóa về mức hợp lý.
Nên duy trì việc giảm thuế
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng TP HCM có chương trình bình ổn giá tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Đây là mô hình khá tốt, có thể nhân rộng ra các địa phương khác. Song song đó, thời gian qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) có tác động tích cực đến mặt bằng giá, vì vậy cần tiếp tục duy trì chính sách này.
Ngoài ra, bản thân các nhà sản xuất, kinh doanh cũng cần tích cực tìm nguồn cung nguyên nhiên liệu trong nước. Từ đó giảm áp lực từ nguyên liệu nhập khẩu, trong bối cảnh lạm phát các nước đang tăng cao.
Nhiều mặt hàng vẫn tăng
Theo Cục Thống kê TP HCM, trong tháng 8 vừa qua, chỉ số giá nhóm lương thực vẫn tăng 0,65%. Nhóm thực phẩm tăng 0,81%, trong đó thịt gia súc tăng 2,41%, trứng các loại tăng 0,47%; giá dầu, mỡ ăn tăng 1,75%; thủy sản chế biến tăng 0,83%; nước chấm tăng 1,21%...