Giao dịch nội gián là gì và thế nào thì bất hợp pháp?
Các giao dịch chứng khoán của người nắm được thông tin nội bộ công ty mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này gọi là giao dịch nội gián.
Những người nội bộ này là những người nắm được thông tin không công khai của công ty hoặc sở hữu hơn 10% cổ phần của công ty và thường giữ các chức vụ quan trọng như giám đốc, giám đốc điều hành cấp cao trong doanh nghiệp.
|
Ở các nước, giao dịch nội gián được quy định rất chặt chẽ và bị phạt nặng cả tiền lẫn phạt tù (Ảnh minh họa: Knowledge@wharton). |
Theo quy định của Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), người trong nội bộ công ty được phép mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp mình hay bất kỳ công ty con nào, nhưng phải đăng ký hợp lệ với SEC và công bố thông tin trước khi diễn ra giao dịch. Nếu thực hiện như vậy, đây được gọi là giao dịch nội gián hợp pháp và giao dịch kiểu này vẫn xảy ra thường xuyên. Ví dụ như tỷ phú Warren Buffett vẫn thường mua bán cổ phần của các công ty mà Berkshire Hathaway hậu thuẫn.
Tuy nhiên, hình thức giao dịch nội gián phạm pháp điển hình nhất là sử dụng các thông tin không công khai để thu lợi. Ví như CEO của một công ty tiết lộ thông tin quan trọng về việc mua lại của công ty mình cho một người bạn đang sở hữu cổ phần đáng kể trong công ty. Người bạn đó đã bán tất cả cổ phần trước khi thông tin được công khai. Hay một nhân viên chính phủ dựa trên hiểu biết của mình về một quy định mới để mua hoặc bán cổ phiếu trước khi quy định này được ban ra. Hoặc một nhân viên cấp cao nghe được một cuộc đối thoại về việc sáp nhập và hiểu rằng thị trường sẽ có tác động và mua vào cổ phiếu bằng tài khoản của người nhà. Đây đều là những ví dụ về giao dịch nội gián bất hợp pháp.
SEC thường kiểm soát các giao dịch nội gián bất hợp pháp bằng cách xem xét khối lượng giao dịch của một cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cổ phiếu tăng bất thường sau khi tin tức quan trọng được phát hành có thể là một dấu hiệu cảnh báo giao dịch nội gián. Sau đó, SEC sẽ điều tra xem để xác định chính xác ai là người thực hiện giao dịch bất thường đó và liệu nó có bất hợp pháp hay không.
Các nước xử phạt giao dịch nội gián ra sao?
Theo quy định của SEC, nếu ai đó bị bắt vì hành vi giao dịch nội gián bất hợp pháp đều có thể bị đi tù, bị phạt tiền hoặc cả hai. Một người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa là 5 triệu USD hoặc lên đến 20 năm tù.
Còn theo quy định của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Ấn Độ (SEBI), giao dịch nội gián có thể bị phạt 250 tỷ rupee hoặc phạt gấp 3 lần lợi nhuận thu được từ các giao dịch, tùy thuộc vào mức nào cao hơn.
Ở Hồng Kông, giao dịch nội gián là một tội hình sự và cũng được cấu thành tội dân sự như một dạng hành vi sai trái của thị trường. Người bị kết tội giao dịch nội gián có thể đối mặt với mức phạt tối đa 10 triệu HKD hoặc phạt tù 10 năm.
Hồi đầu năm ngoái, Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) cho biết, ông Chow Chiu Chi, thư ký của công ty China Automation, một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, đã bị kết án 45 ngày tù giam và phải nộp 45.000 HKD và hơn 37.000 HKD phí điều tra vì vi phạm giao dịch nội gián cổ phiếu China Automation.
Tại Singapore, hành vi vi phạm giao dịch nội gián cũng được cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) phạt nặng. Theo Luật Chứng khoán và các hoạt động phái sinh (SFA), người vi phạm có thể bị phạt số tiền gấp 3 lợi nhuận. Nếu người vi phạm không kiếm được lợi nhuận hoặc bị tổn thất từ hoạt động giao dịch trên có thể bị phạt tiền từ 50.000 đô la Singapore đến 2 triệu đô la Singapore. Ngoài ra, SFA cũng có các hình phạt hình sự đối với hành vi giao dịch nội gián. Theo đó, một cá nhân cũng có thể bị phạt tới 250.000 đô la Singapore hoặc bị phạt tù đến 7 năm hoặc cả hai.
Theo The Straits Times, năm 2019, ông Raphel Tham Wai Mun - Phó Chủ tịch không điều hành của Auhua Clean Energy PLC (ACE) đã bị MAS phạt 336.000 USD vì giao dịch nội gián cổ phiếu ACE khi sử dụng "thông tin không công khai và nhạy cảm đến giá cổ phiếu công ty". Số tiền phạt này gấp 2,5 lần số tiền mà ông Tham đã tránh được không bị thua lỗ khi bán cổ phiếu.
Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý chứng khoán nước này cũng áp các hình phạt nặng đối với giao dịch nội gián. Theo South China Morning Post, tháng 7/2020, một doanh nhân ở Thượng Hải là Wang Yaoyuan và con gái ông đã sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu của tập đoàn dược phẩm Joincare niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã phạt hai người này số tiền kỷ lục 2,72 tỷ nhân dân tệ và tịch thu 906,4 triệu nhân dân tệ lãi ròng mà họ kiếm được nhờ giá cổ phiếu tăng gấp đôi. Đây là hình phạt lớn nhất mà cơ quan này từng đưa ra.
Hay tháng 7 năm ngoái, một nhân viên của ByteDance cũng đã bị phạt nặng vì trục lợi từ thông tin nội bộ của một công ty xuất bản số mà họ hợp tác. Theo đó, người này đã bị phạt gần 9 lần số tiền lãi 54.880 nhân dân tệ mà anh kiếm được từ việc bán 55.700 cổ phiếu của nhà xuất bản này.