Liên quan đến vi phạm biến biệt thự thành chung cư mini tại Khu nhà ở Hoàn Sơn (huyện Tiên Du), UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo xử lý vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, vi phạm về PCCC. Những sai phạm này gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến sinh hoạt, an toàn của người dân.
Tồn tại nhiều vi phạm
Theo tìm hiểu, dự án khu nhà ở Hoàn Sơn do Công ty Cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư tại xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du), theo quyết định số 259 ngày 18/3/2003 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Quy mô dự án này là 7,5ha, trong đó gồm 234 căn nhà biệt thự và liền kề. Ngoài ra còn có diện tích cây xanh công viên, công trình công cộng, nhà văn phòng; đất giao thông và đất đầu mối kỹ thuật.
Sau gần 20 năm, phần lớn khu đô thị này vẫn còn nhiều biệt thự và nhà liền kề bị bỏ hoang, chưa hoàn thiện, một số đã bàn giao cho các hộ dân vào hoàn thiện, sinh sống. Hạ tầng kỹ thuật của dự án đã được xây dựng từ lâu không được bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, hiện đã xuống cấp.
|
Biệt thự KĐT Hoàn Sơn biến thành “chung cư mini” nhiều vi phạm. (Ảnh: VOV). |
Theo báo chí phản ánh, tại một số lô biệt thự thuộc dự án, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm xây sai quy hoạch. Cụ thể có 5 lô biệt thự đã được chủ hộ cải tạo thành 4 tòa nhà 6 tầng với khoảng 115 phòng và cho thuê trọ.
Tại thời điểm kiểm tra, quản lý khu nhà cho biết ở đây có khoảng 140 người đang sinh sống. Cả 4 tòa nhà đều đã có hệ thống báo cháy, chữa cháy vách tường, hệ thống bình chữa cháy cầm tay. Tuy nhiên tất cả chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về PCCC.
Hoạt động cho thuê trọ tại đây đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu dừng và phải dán thông báo chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn PCCC trước cửa các căn nhà. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Hoàn Sơn thường xuyên kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC tại khu vực dự án. Song nhân viên của khu nhà này vẫn bất chấp lệnh cấm, bất chấp nguy hiểm tính mạng của người thuê trọ để “chèo kéo khách”. Giá thuê được chào mời giao động gần 2 - 5 triệu đồng/tháng, với diện tích căn hộ từ 30-50m2.
"Trách nhiệm chủ đầu tư và người đứng đầu địa phương"
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những công trình xây dựng, nhà cao tầng ở đô thị phải xây đúng giấy phép. Trong trường hợp này, chủ đầu tư đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng xây quá tầng, tăng diện tích sử dụng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ phần sai phạm ngoài giấy phép.
Bên cạnh đó, nếu không đảm bảo về an toàn phòng cháy, chữa cháy, tòa nhà không được phép hoạt động, không được phép nghiệm thu. Nếu hoạt động không đảm bảo, cơ quan công an về phòng cháy, chữa cháy cần phải đình chỉ công trình và tiến hành xử phạt.
Nếu chính quyền phát hiện sai phạm cần nhanh chóng lập biên bản, xử lý vi phạm. Nếu chính quyền đã được thông báo, thông tin về vi phạm của công trình rồi nhưng không xử lý kịp thời, dứt điểm thì cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, thời điểm xảy ra vi phạm.
Trước đó, trả lời trên Báo Tiền Phong, đại diện phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, đối với nội dung báo chí phản ánh, Sở Xây dựng tỉnh này đang tổ chức đoàn thanh tra theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng. Do đó, đơn vị sẽ phản hồi với báo ngay khi có kết luận.
Điều đáng nói, trước đó hồi tháng 8/2022, báo chí từng phản ánh về sai phạm loạt biệt thự trong khu đô thị Hoàn Sơn biến tướng thành chung cư mini và nhà nghỉ, chỉ được quy hoạch xây dựng không quá 4 tầng, nhưng 2 tòa nhà ngang nhiên xây cao tới 6 tầng.
Thời điểm đó, vị cán bộ phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, họ rất muốn xử lý triệt để các hành vi vi phạm về xây dựng, phá vỡ quy hoạch để làm gương, nhưng do dự án thực hiện cách nay đã hơn 20 năm, nên hồ sơ gốc và mối liên hệ với các bên liên quan đã bị đứt gẫy, khiến công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, thách thức.