Vụ việc cháu L.H.L - nam học sinh lớp 1 - trường Quốc tế Gateway cơ sở quận Cầu Giấy, Hà Nội tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường ngày 6/8 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngoài nguyên nhân cái chết của nam học sinh này, đáng chú ý, mới đây, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy - cho biết, trong quyết định thành lập Trường Gateway, không hề ghi là trường quốc tế. Tên chính thức của trường trong quyết định thành lập là Trường Tiểu học Gateway.
Ông Ngọc Anh cho rằng, có thể do các trường tự quảng cáo nên đưa yếu tố quốc tế vào để thu hút học sinh.
“Trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện chỉ có trường có yếu tố nước ngoài, như có người nước ngoài giảng dạy, có sự đầu tư của người nước ngoài, chứ không có trường quốc tế”- ông Ngọc Anh cho biết.
Trường Quốc tế Gateway Cầu Giấy là một trong những cơ sở của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway do bà Trần Thị Hồng Hạnh làm Chủ tịch HĐQT. Dư luận đặt ra câu hỏi, Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway và các cơ sở này được đầu tư với số vốn “khủng” thế nào?
|
CEO Tập đoàn Giáo dục Edufit Trần Thị Hồng Hạnh (Người cầm điện thoại, đeo kính) làm việc với gia đình cháu bé bị tử vong khi bị bỏ quên trên xe bus đưa đón học sinh của Trường Gateway Cầu Giấy tại Bệnh viện E. |
Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway có bao nhiêu cơ sở?
Hệ thống trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway thuộc quản lý của tập đoàn Edufit do do bà Trần Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1982, ngụ Hà Nội) làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật.
Thông tin từ cổng thông tin trường Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (gateway.edu.vn) cho thấy, trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway hiện có hai cơ sở gồm Trường Quốc tế Gateway Cầu Giấy đi vào hoạt động từ năm 2015 tại tại Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội và Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway – Hải Phòng tại quận Dương Kinh (TP Hải Phòng). Ngoài ra, dự án Gateway Tây Hồ Tây hiện đang được triển khai xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động từ mùa thu 2020.
Trong đó, Trường Gateway Cầu Giấy (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) được thành lập năm 2015. Trường được xây dựng trên mặt bằng 8.000m2 với tổng diện tích 15.000m2. Gateway Cầu Giấy có mức học phí khoảng 110 triệu đồng/năm và trên 40 triệu các loại tiền khác. Các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh.
|
Trường Tiểu học Gateway Cầu Giấy. |
Tại Hà Nội, ngoài cơ sở tại Cầu Giấy, tháng 7/2019, tập đoàn Giáo dục Edufit mới nhận khoản đầu tư 34 triệu USD cho dự án xây dựng trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway Tây Hồ Tây từ công ty Toshin Development Co., Ltd – một doanh nghiệp bất động sản thuộc Takashimaya, một tập đoàn lớn của Nhật Bản. Với diện tích 20.000m2, dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên một trong những trường quốc tế có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất tại Hà Nội tại khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây, dự kiến tuyển sinh trong năm học 2020-2021.
Dự án Trường PTLC Quốc tế Gateway Hải Phòng được giới thiệu là một không gian học tập hiện đại bậc nhất được xây dựng trên tổng diện tích trên 10.000m2 bao gồm các hạng mục: không gian chơi xanh mát, sân bóng mini, trường bơi quốc tế Aqua - tots, hệ thống giao thông nội bộ hiện đại, tòa nhà trường mầm non quốc tế Sakura Montessori, trường PTLC quốc tế (tiểu học, THCS, THPT) tất cả sẽ hứa hẹn đem lại không gian học tập đảng cấp quốc tế bậc nhất tại Hải Phòng.
Ngoài ra, hiện Edufit còn có hệ thống các trường mầm non Quốc tế Sakura Montessori (SMIS), hoạt động từ tháng 8/2011. Đến nay, SMIS có 4 trường tại Hà Nội, 2 trường ở Hải Phòng, một trường ở Hạ Long và một trường ở TP.HCM. Mục tiêu của Edufit tới năm 2025 là có 17 trường mầm non Quốc tế SMIS và phát triển Gateway thành một trong những trường song ngữ hàng đầu Việt Nam.
|
Trường PTLC Quốc tế Gateway Hải Phòng. |
Dù có hàng loạt cơ sở với quy mô lớn được đầu tư với số vốn “khủng”. Tuy nhiên, dư luận đang đặt hàng loạt nghi vấn về quy trình vận hành của trường quốc tế này.
Đáng chú ý, ngay sau khi xảy ra sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, hệ thống fanpage của Gateway và Sakura Montessory cũng như Edufit trên mạng xã hội Facebook đều bị vô hiệu hóa, hàng loạt bài viết giới thiệu về hệ thống trên website của Gateway và Sakura Montessory cũng đã bị gỡ bỏ.
Những “ẩn số” của chủ đầu tư của hệ thống trường Gateway
Theo thông tin trên Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệ hai pháp nhân tách biệt Công ty Cổ phần Giáo dục Edufit và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit đều được thành lập năm 2017 và do bà Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1982, ngụ Hà Nội) làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật. Hiện bà Trần Thị Hồng Hạnh cũng là chủ tịch Hội đồng Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway (Gateway International School) – một thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn Giáo dục Edufit.
Công ty Cổ phần Giáo dục Edufit đăng ký thành lập tháng 5/2017, địa chỉ trụ sở tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội với ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, Edufit đăng ký thêm các ngành kinh doanh giáo dục khác từ đào tạo tiểu học đến tiến sĩ; bán buôn, bán lẻ sách báo tạp chí, văn phòng phẩm; kinh doanh bất động sản.
Ban đầu Edufit có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh giảm xuống 70 tỷ đồng vào tháng 9/2018 nhưng cơ cấu cổ đông cùng tỷ lệ sở hữu không đổi gồm Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục ICorp góp 34,3 tỷ (49%), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Triều góp 28,7 tỷ (41%) và Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou góp 7 tỷ (10%). Cả 3 cổ đông này đều liên quan đến CEO Trần Thị Hồng Hạnh.
|
Thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit . |
Thông tin cụ thể liên quan các công ty cổ đông của đầu Edufit, Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục ICorp thành lập tháng 12/2015( tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trong đó bà Trần Thị Hồng Vân cùng một phụ nữ khác có địa chỉ hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nắm tới 98% cổ phần.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Triều thành lập năm 2005, đăng ký địa chỉ tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội). Tổng giám đốc Nam Triều chính là bà Trần Thị Hồng Hạnh với 57% cổ phần và là cổ đông lớn nhất.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou thành lập năm 2010, có vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Giám đốc Fuyou là ông Đỗ Thanh Long (SN 1980). Ông Đỗ Thanh Long cùng bà Hạnh hiện đang giữ 80% cổ phần của Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou.
Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit được thành lập tháng 12/2017 với người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hồng Hạnh. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là giáo dục thì tập đoàn này còn kinh doanh bất động sản và bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Vốn điều lệ của Edufit tại thời điểm mới thành lập là 20 tỷ đồng với 4 cá nhân góp vốn là bà Trần Thị Hồng Vân (35,7%), bà Trần Thị Hồng Hạnh (35,7%), bà Trần Thị Huyền (14,3%) và một người nữa có tỷ lệ sở hữu trên 14%, tuy nhiên, thông tin cập nhật mới đây cho biết, người này đã rút khỏi danh sách cổ đông. Đến tháng 10/2018, Edufit nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng, toàn bộ là vốn tư nhân.
Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit cũng là đơn vị sở hữu hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway.
Ngoài ra, trên cổng thông tin doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Hạnh còn là đại diện một loạt các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Hợp tác Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Zusso Việt Nam, Công ty Cổ phần Giáo dục nguồn sáng...