Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo về thời gian công bố báo cáo tài chính (BCTC) và họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.
Liên tiếp lùi họp đại hội cổ đông
Theo Vietnam Airlines, trước đó, ngày 11/8, HOSE đã có công văn yêu cầu Vietnam Airlines nhanh chóng công bố thông tin về BCTC kiểm toán 2022, báo cáo thường niên 2022 và báo cáo soát xét bán niên 2023. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết, hiện đang nỗ lực cùng các công ty kiểm toán độc lập khẩn trương hoàn thiện BCTC kiểm toán 2022 và dự kiến công bố BCTC kiểm toán 2022, báo cáo soát xét bán niên 2023 vào cuối tháng 8, và chậm nhất là trong tháng 9/2023.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các tài liệu báo cáo ĐHĐCĐ thường niên và dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong tháng 10.
|
Bị HOSE nhắc nhở, khi nào Vietnam Airlines công bố báo cáo kiểm toán 2022? Ảnh minh họa: Internet. |
Trước đó, vào ngày 10/7, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietnam Airlines đã thông qua việc lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 với lý do “công ty cần có thêm thời gian chuẩn bị”. HĐQT Vietnam Airlines thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội vào ngày 11/7. Ngày tổ chức dự kiến là trước ngày 30/8.
Cách đó 3 tháng (ngày 18/4), HĐQT Vietnam Airlines ra nghị quyết về việc gia hạn thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 đến sau ngày 30/4 và trước ngày 30/6/2023. Sau đó một tuần, Vietnam Airlines chốt thời gian tổ chức đại hội vào ngày 20/6.
Theo quy định tại Điều 139 của Luật Doanh nghiệp 2020, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, HĐQT của doanh nghiệp có thể quyết định gia hạn phiên họp này trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Với năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2022, doanh nghiệp niêm yết thông thường phải họp ĐHĐCĐ thường niên chậm nhất vào ngày 30/4/2023, HĐQT có thể gia hạn đến 30/6/2023.
Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, lỗ luỹ kế gần 36.000 tỷ đồng
Ở diễn biến liên quan, vào tháng 2/2023, HoSE cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm 10.453 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 âm 34.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.
Trong báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 được công bố cuối tháng 7/2023, Vietnam Airlines cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều văn bản yêu cầu Vietnam Airlines công bố thông tin BCTC năm 2022, giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục cũng như hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu HVN. Tuy nhiên, do Vietnam Airlines vẫn đang làm việc với các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ để xem xét việc duy trì cổ phiếu HVN trên sàn HoSE nên đã ảnh hưởng đến tiến độ phát hành BCTC năm 2022, cũng như tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 theo đúng quy định.
Cùng đó, Vietnam Airlines cũng nêu rõ nguy cơ cổ phiếu HVN phải rời sàn HoSE là rất cao và những hệ luỵ xảy ra là không nhỏ.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch phiên chiều, kể từ ngày 12/7/2023. Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong thông cáo phát ra ngày 6/7, Vietnam Airlines cho biết các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Hãng đang phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm toán để sớm hoàn thành và thực hiện công bố thông tin để cổ phiếu HVN trở lại giao dịch bình thường.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 20.696 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, do các thị trường quốc tế như Châu Âu, Châu Úc và Mỹ phục hồi tốt. Đây là quý thứ 7 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán ở mức cao nên Vietnam Airlines chỉ thu về 929 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tích cực hơn nhiều so với khoản lỗ 368 tỷ đồng của quý II/2022. Đây cũng là quý thứ 2 công ty có lãi gộp trở lại từ sau dịch Covid-19.
So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu từ hoạt động tài chính của Vietnam Airlines giảm 45 tỷ đồng còn 92 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm 424 tỷ đồng còn 723 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 300 tỷ đồng lên 959 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 33 tỷ đồng lên 496 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 1.294 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 1.257 tỷ đồng so với khoản lỗ 2.551 tỷ đồng cùng kỳ. Đây là quý lỗ thứ 14 liên tiếp của hãng hàng không này. Giải trình về kết quả này, Vietnam Airlines cho biết nhờ giảm lỗ của công ty mẹ và Pacific Airlines, các công ty con kinh doanh có lãi nên Vietnam Airlines đã giảm lỗ so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận 44.336 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn lỗ 1.331 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 59.158 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tổng nợ vay của hãng bay này cuối quý II/2023 là 27.987 tỷ đồng, chiếm hơn 47% tổng nguồn vốn; trong đó, nợ vay ngắn hạn là 15.958 tỷ đồng, còn 12.029 tỷ đồng là vay dài hạn.
Việc liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu tính tới cuối quý II/2023 của Vietnam Airlines âm 11.598 tỷ đồng, trong đó hãng bay này lỗ luỹ kế 35.667 tỷ đồng.