Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố báo cáo tài chính năm 2022 với doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn đạt 10.221 tỷ đồng, tăng 32% so năm 2021.
Tuy nhiên chi phí hoạt động chiếm 3.856 tỷ đồng, trong khi năm trước được hoàn nhập 2.403 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của SCIC giảm 37% về còn 6.365 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên ở mức 62%.
|
Kết quả kinh doanh 2022 của SCIC |
Kỳ này, SCIC cắt giảm mạnh 66% chi phí quản lý về còn 181 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần ghi nhận 6.183 tỷ đồng, giảm 35% so cùng kỳ.
Đặc biệt, kỳ này SCIC lỗ tới 3.108 tỷ đồng từ liên doanh liên kết, nặng hơn mức 211 tỷ của năm 2021. Do đó sau cùng, SCIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.074 tỷ đồng, suy giảm 63% so năm 2021.
Dù vậy, SCIC vẫn còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm 3.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022.
Giá trị khoản đầu tư vào Vietnam Airlines âm 3.336 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của SCIC giảm mạnh hơn 4.000 tỷ so đầu kỳ, xuống mức 59.476 tỷ đồng. Trong đó các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 32% xuống mức 30.190 tỷ đồng (riêng dự phòng giảm giá đầu tư tăng lên 134 tỷ đồng). Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng gấp 8,9 lần lên 2.098 tỷ đồng do tăng vọt phải thu hoạt động đầu tư tài chính. Kỳ này còn phát sinh 152 tỷ đồng thuế và các khoản phải thu Nhà nước.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng tăng mạnh 46% lên 26.640 tỷ đồng do tăng đầu tư vào công ty con (chiếm 15.572 tỷ), trong đó dự phòng lên tới 3.694 tỷ đồng).
Trong khoản mục các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SCIC, cổ phiếu niêm yết chiếm 519 tỷ đồng (giảm mạnh 61%), còn cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 3.503 tỷ đồng (giảm 82%).
Về khoản phải thu hoạt động đầu tư tài chính, SCIC ghi nhận lãi dự thu gần 399 tỷ đồng và phải thu về cổ tức lợi nhuận được chia tăng vọt lên 1.683 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của SCIC ghi nhận góp tại các công ty niêm yết 11.247 tỷ đồng, chưa niêm yết 18.721 tỷ đồng và trái phiếu 70 tỷ đồng và đầu tư khác 296 tỷ đồng nhưng phải dự phòng 3.695 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào công ty liên kết phần lợi nhuận phát sinh sau ngày đầu tư trừ cổ tức được chia âm tới 2.954 tỷ đồng.
|
Công ty liên kết của SCIC |
Theo SCIC, tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, SCIC chưa nhận được báo cáo kiểm toán của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN), báo cáo của CTCP Tháp truyền hình Việt Nam và CTCP Hạ tầng Bất động sản Việt Nam.
Theo đó, báo này của SCIC tạm sử dụng thông tin, số liệu gần nhất để trình bày.
Năm 2021, SCIC đã thay mặt Chính phủ đầu tư mua 689 triệu cổ phiếu HVN thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước với số tiền 6.895 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển. SCIC đã hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 31,14%. Khả năng hoạt động liên tục của HVN sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các giải pháp của các bên hữu quan. Giá trị tài sản của HVN theo sổ sách tính theo phần sở hữu của SCIC tại ngày 31/12/2022 là âm 3.336,6 tỷ đồng.