Thương vụ Grab mua Uber Việt Nam có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

Google News

(Kiến Thức) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa thông báo kết quả về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế trong thương vụ Grab mua Uber Việt Nam.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, kết quả điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế trong thương vụ Grab mua lại toàn bộ mảng hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
Cục Cạnh tranh nhận định, thương vụ Grab mua Uber Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3, Chương II, Luật Cạnh tranh 2004.
Cục Cạnh tranh thông báo sẽ kết thúc điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber và xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định.
Thuong vu Grab mua Uber Viet Nam co dau hieu vi pham Luat Canh tranh
Thương vụ Grab mua Uber Việt Nam có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Ảnh: SGGP.

Nhiều nước Đông Nam Á bắt đầu điều tra thương vụ Grab mua lại Uber - Tin Tức VTV24

Trước đó, sau khi làm việc với Công ty GrabTaxi Việt Nam, chiều ngày 12/4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã làm việc với đại diện hợp pháp của Công ty Uber Việt Nam. Tại buổi làm việc, Uber cho biết từ 23h59 ngày 8/4/2018, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam và hiện tại Văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. Tức là giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả làm việc với các bên liên quan và thông tin thu thập được, căn cứ Khoản 2 Điều 86 Luật Cạnh tranh năm 2004, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Tháng 3/2018, Grab đã công bố mua lại hoạt động của Uber ở Đông Nam Á, qua đó sáp nhập với đối thủ sau cuộc cạnh tranh khốc liệt tại khu vực.
Theo thỏa thuận, Grab sẽ mua lại tất cả hoạt động của Uber trong khu vực 620 triệu dân ở Đông Nam Á, bao gồm dịch vụ giao thực phẩm UberEats. Đổi lại, Uber sẽ nhận được 27,5% cổ phần của Grab.
Grab sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber ở Singapore, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.
Hồng Liên

>> xem thêm

Bình luận(0)