|
Trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, có tới 4 doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) |
Hé lộ số phận 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ
Tại buổi Tọa đàm “Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 18.9, nhiều thông tin đã được các chuyên gia kinh tế, đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra xung quanh vấn đề giải quyết 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), quá trình khắc phục 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương đang được cơ cấu theo nhiều hướng khác nhau nhưng khó khăn vẫn còn phía trước và sắp tới sẽ có nhiều khó khăn hơn bởi càng để lâu càng phát sinh nhiều vấn đề.
Trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, có tới 4 doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trong đó, 2 doanh nghiệp đã có lãi dù lỗ lũy kế vẫn còn, 2 doanh nghiệp còn khó khăn, cần tiếp tục tái cơ cấu.
Nếu chia theo nhóm, trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, có 2 dự án đã có lãi: Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Dự án nhà máy gang thép Lào Cai.
4 dự án đã bắt đầu giảm lỗ nhưng vẫn báo lỗ: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
3 dự án trước đây dừng hoạt động, nay bắt đầu khởi động lại, tiến hành sản xuất thử có Sơ sợi Đình Vũ. Còn 3 dự án xây dựng dở dang cũng bắt đầu được tính toán lại, thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt. Trong đó, Nhà máy giấy Phương Nam sẽ được bán để thu hồi vốn, Nhà máy Ethanol Phú Thọ sẽ rà soát lại rồi tìm nhà đầu tư để mua. Dự án Nhà máy Thép Thái Nguyên cũng cơ cấu lại, xúc tiến tìm nhà đầu tư.
|
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: VGP) |
Chia sẻ về các giải pháp xử lý tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ trong thời gian tới, ông Đặng Quyết Tiến nói: “12 dự án này tới đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi chúng ta kiên quyết thực hiện theo thị trường, nên có những điều chúng ta phải chấp nhận. Ví dụ, có những dự án bán không được thì chấp nhận phá sản. Những dự án không khởi động được, không bán được phải chuyển sang hình thức khác. Điều này đã nằm trong lộ trình.
Quan trọng nhất, tới đây, các Bộ, ngành phải nói thẳng, nói thật, công khai, minh bạch tình hình. Có như vậy các Bộ, ngành, Chính phủ, các chuyên gia mới có thể đưa ra giải pháp căn cơ nhằm xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ này. Phá sản, giải thể cũng có thể được hiểu là cách làm đầy tích cực vì nếu giữ lại những dự án không hiệu quả thì cũng không hề tốt cho nền kinh tế”.
Ông Đặng Quyết Tiến kết luận: “Nếu anh không cạnh tranh được với các thành phần kinh tế tư nhân. Hãy giải phóng nguồn lực, lùi lại để tư nhân phát triển!”.
|
Ông Phùng Văn Hùng (thứ hai từ bên phải), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm. |
Trong câu chuyện xử lý các dự án thua lỗ, vướng mắc pháp lý như quyền sử dụng đất, mối quan hệ với tổng thầu EPC… cũng được nhắc đến.
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “12 đại dự án của ngành Công Thương, chủ trương của Đảng và Nhà nước đây là các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Chúng ta chỉ cần đảm bảo thu hồi vốn, bán đi là đúng đắn”.
Quan trọng nhất họ vướng vào vấn đề pháp lý, giải pháp tiếp theo là bán. Các pháp lý vướng: xác định giá, xử lý quyền sử dụng đất, xác định giá đất như nào, xử lý quan hệ với tổng thầu EPC ra sao trước khi xem xét nên cổ phần hóa hay bán. Ông Hùng cho rằng, cần xử lý triệt để trước khi chúng ta xem là bán cho ai, nếu chúng ta chưa xử lý thì chưa thể bán được và nên bán cho tư nhân.
Vinachem muốn thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo cần "soi lại mình"
Xung quanh việc Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (Vinachem) xin được áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu nhằm giúp giá thành phân đạm của Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Đề xuất của Vinachem đặt ra câu hỏi: “Liệu đề xuất có đang đi ngược với nguyên tắc mà nhà quản lý đã xác định, là đặt DNNN trong cạnh tranh, hoạt động theo thị trường và xa hơn là nguyên tắc xử lý 12 dự án đắp chiếu?”
Ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng mọi ý kiến của doanh nghiệp đều được hoan nghênh. Kiến nghị của Vinachem nhằm sửa đổi Luật 71 do Quốc hội khoá 13 ban hành.
Luật này quy định đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện giá phân bón giảm, tạo điều kiện cho người nông dân có được nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, ông Hùng nhận xét, có thể trong quá trình triển khai, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh, vì vậy, Chính phủ cũng nên xem xét.
"Nhiều chính sách sau khi ban hành cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế", ông Hùng nói và cho biết kiến nghị như Vinachem là cần thiết.
|
Vinamchem muốn thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo cần phải "soi lại mình". |
Còn ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cung cấp thêm thông tin, kiến nghị trên không chỉ là của Vinachem mà còn của nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
"Nếu cắt nghĩa là đề xuất của Tập đoàn thì không công bằng, Hiệp hội phân bón cũng lên tiếng. Nếu tăng thuế đem lại lợi ích cao hơn cho doanh nghiệp thì cần xem xét để ủng hộ", ông Tiến nói.
Vinachem hiện đang có thới 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ. Do đó, quan điểm đối với doanh nghiệp này là khi sắp xếp phải tuân theo cơ chế thị trường.
"Thuế chỉ là một biện pháp chung. Luật quy định rồi thì phải bình đẳng theo luật", ông Tiến nói và cho biết đề xuất áp thuế của Vinachem không phải là biện pháp căn cơ. Vinachem muốn thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo cần phải "soi lại mình".