Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn
Báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều 15/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, Chính phủ đang tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
“Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định: “Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác”.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh VGP |
“Có giải pháp phù hợp, xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Đối với các dự án phục hồi được có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng khẳng định: “ Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp cơ cấu lại cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện”.
Đồng thời Phó Thủ tướng cũng nói rằng, xử lý nghiêm các trường hợp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp cơ cấu lại cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao.
Dự án khác thua lỗ, thất thoát cũng xử lý như đối với 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu”
Đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu: Tại kỳ họp thứ 2 Chính phủ báo cáo có 05 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả dư luận xã hội quan tâm. Vừa qua ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã xác định có 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, và hiệu quả đầu tư kém.
“ Xin Phó Thủ tướng cho biết, ngoài 12 dự án đã được xác định, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng như các dự án nêu trên. Trong thời gian tới Chính phủ có giải pháp, biện pháp gì để phát hiện và xử lý kịp thời những dự án tương tự nếu có để hạn chế lãng phí trong đầu tư. Ba, để xảy ra tình trạng trên như các dự án nêu trên thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ĐB Trần Văn Tiến đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: “Chính phủ rất công khai, minh bạch, rõ ràng thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã đưa tin những thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát và Chính phủ cũng đã báo cáo tại phiên khai mạc tôi xin không nhắc lại. Những dự án này như tôi vừa trình bày trong phần chung, sẽ cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không để thất thoát về ngân sách, không dùng ngân sách trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó cả tổ chức và cá nhân, những người chịu trách nhiệm trực tiếp”.
“Thủ tướng cũng đã thành lập ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả này”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Văn Tiến về việc ngoài 12 dự án này còn nữa hay không?, Phó Thủ tướng cho hay: “ Tôi xin trả lời mang tính chất ước lệ chứ không thể khẳng định là không có nhưng cũng không nói là không còn, nhưng tinh thần chung là còn, phải tiếp tục rà soát. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải báo cáo, rà soát, thử đánh giá, phát hiện và báo cáo Chính phủ sẽ có những giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu”.
“Giải quyết trên tinh thần xử lý theo cơ chế thị trường và không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ, đồng thời kiên quyết xử lý đối với người vi phạm. Giải pháp cơ bản làm sao không còn những dự án này. Trách nhiệm của các ngành, các cấp phải chấp hành đúng nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề và tăng cường thực hiện các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu đã có nhiều chỉ đạo về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó Thủ tướng khẳng định.