“Số phận” 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương sẽ thế nào? Đây là điều được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hiện, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ nhiều vấn đề cũng như trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị liên quan khi để xảy ra thua lỗ, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự.
Để rộng đường dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo xử lý những hạn chế, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành công thương, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
|
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh. |
PV: Thưa ông, được biết, việc xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ hiện còn nhiều vướng mắc. Là thành viên Ban Chỉ đạo, ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Ngô Văn Khánh: Việc thành lập Ban Chỉ đạo đã cho thấy tính chất phức tạp cũng như nhu cầu cần phải xử lý các dự án này. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo vừa tháo gỡ khó khăn, vừa kiểm tra đánh giá khả năng để đưa các dự án, cơ sở sản xuất quay trở lại sản xuất được là tốt nhất. Tuy nhiên, có những trường hợp phải xử lý.
Việc xử lý có thể bán khoán, tuy nhiên trên tinh thần không dùng vốn ngân sách Nhà nước nữa, mà theo thị trường, tính đến câu chuyện an sinh xã hội, người lao động... Nguyên tắc tháo gỡ khó khăn là kể cả phá sản chứ không thể để dự án tiếp tục gây thất thoát lớn cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần thanh tra, kiểm tra các dự án, tìm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của ai, tổ chức nào? Do rủi ro hay có những vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư, tổ chức kinh doanh, sản xuất dẫn đến những thiệt hại?...
Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện những bất cập, sơ hở của cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện các dự án ở nhiều thời kỳ khác nhau. Có những dự án lịch sử rất lâu đời. Từ đó, kiến nghị cơ chế chính sách hoặc sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách về đầu tư, quản lý vốn tài sản của doanh nghiệp Nhà nước... Cũng qua xem xét sai phạm, kiến nghị xử lý phù hợp với các mức sai phạm, từ xử lý hành chính đến hình sự và kể cả người đã nghỉ.
Đối với 12 dự án thua lỗ, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và có những kết luận. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục rà soát các kết quả thanh tra từ các bộ ngành ở các dự án còn lại, xem xét kết quả và có thể tiếp tục thanh tra dựa trên những kết quả này.
PV: Trên thực tế có những trường hợp bỏ lại thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp để bước sang những vị trí cao hơn, kể cả làm quản lý Nhà nước. Việc làm rõ trách nhiệm cá nhân là rất cần thiết, thưa ông?
Ông Ngô Văn Khánh: Theo tôi, cả hai việc đều cần thiết và cấp bách. Phải làm sao tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp đi vào sản xuất đem lại doanh thu nhất định cũng như cho ngân sách.
Ví dụ, nhà máy Đạm Ninh Bình hiện đã đi vào sản xuất trở lại. Ngoài tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, cần cơ cấu lại doanh nghiệp. Vấn đề xác định sai phạm để sửa đổi cơ chế chính sách, xử lý con người cũng không thể coi nhẹ và đang được làm rất quyết liệt.
Thực tiễn cũng đã trả lời. Có những người trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng sai phạm ở cương vị nào sẽ xem xét trách nhiệm ở cương vị đó, không trừ một ai.
PV: Vậy theo ông, vì sao việc xử lý các dự án thua lỗ kể trên lại chậm đến vậy? Ông có thể nói ngắn gọn về những vướng mắc thời điểm hiện tại?
Ông Ngô Văn Khánh: Chính phủ phải thành lập Ban Chỉ đạo cũng thể hiện sự phức tạp, khó khăn và nhiều tồn đọng ở các dự án. Không đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật, ý chí mà còn nhiều vấn đề.
Do đó phải làm từng bước, xem xét đánh giá từng khía cạnh, kể cả về kỹ thuật cũng như con người. Cũng cần chia sẻ thấu đáo, vì nội tại các doanh nghiệp có những khó khăn nên không thể giải quyết một cách nhanh chóng được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!