Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thông tin sự việc nhiều danh mục kỹ thuật, nhân sự tại phòng khám An Khang (Hà Nội) bị nghi ngờ không nằm trong hồ sơ đăng ký với cơ quan chức năng chuyên ngành (Sở Y tế Hà Nội), nhưng vẫn ngang nhiên khám chữa cho người bệnh để thu lợi.
|
Địa chỉ của phòng khám An Khang ghi rõ số 96 Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên, trên các phiếu kết quả của phòng khám trả cho người bệnh lại ghi địa chỉ số 67 Ô Chợ Dừa. |
Thu hồi giấy phép, xử lý triệt để
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý xung quanh sự việc trên, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đeo biển tên khi thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc bác sĩ và nhân viên y tế của phòng khám An Khang không đeo biển tên đã vi phạm quy định pháp luật về trang phục y tế trong hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Với hành vi vi phạm này phòng khám An Khang còn có thể chịu các chế tài xử phạt theo quy định.
Trường hợp của phòng khám An Khang, nếu có bất cứ hành vi nào vi phạm quy định như giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền; không bảo đảm các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép cần phải xử lý nghiêm, triệt để.
“Căn cứ vào những hành vi thực tế, nếu phòng khám An Khang có những sai phạm như báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh trong 2 bài viết vừa qua, thì Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cần ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 45, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội). |
Luật sư Hoàng Tùng chia sẻ thêm, các phòng khám bệnh, chữa bệnh được hoạt động dựa trên giấy phép đã đăng ký và phải thực hiện khám bệnh theo đúng lĩnh vực đã đăng ký và đáp ứng đủ các điều kiện an toàn về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế.
Hiện nay, việc các phòng khám chữa bệnh được lập lên càng ngày thêm nhiều, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập là rất lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ y tế của cộng đồng.
Tuy nhiên, vì đây là một loại hình dịch vụ quan trọng, liên quan mật thiết đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, cho nên việc tổ chức, quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa ở các địa phương cần phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.
|
Nữ bác sĩ tên Lan là người trực tiếp siêu âm đầu dò cho bệnh nhân tại phòng khám An Khang. Tuy nhiên, ký tên trên giấy tờ kết quả lại là bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình Phùng Thống Nhất. |
“Trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta, các cơ sở y tế vừa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhưng cũng phải đảm bảo các điều kiện an toàn, tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định của UBND TP.Hà Nội, Bộ Y tế”, luật sư Tùng nói.
Liên tục sai phạm… thách thức pháp luật?
Đáng nói, trên đây không phải lần đầu tiên phòng khám An Khang bị tố sai phạm. Trước đó vào tháng 7/2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội từng phát hiện việc bác sĩ Viên Cát Lượng (quốc tịch Trung Quốc) hành nghề tại phòng khám An Khang vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Bác sĩ Trung Quốc Viên Cát Lượng là bác sĩ chuyên khoa ngoại nhưng thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc y học cổ truyền cho người bệnh đến khám chữa bệnh.
Phòng khám An Khang thu tiền cao hơn giá niêm yết, không đảm bảo điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; sổ khám chữa bệnh ghi chép không đầy đủ theo quy định; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Phòng khám An Khang sau đó bị xử phạt tổng số tiền 102 triệu đồng, riêng bác sĩ người Trung Quốc Viên Cát Lượng bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 9 tháng.
Gần đây nhất là ngày 20/11/2020, Thanh Tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 295/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính số tiền 80 triệu đồng đối với phòng khám An Khang, đồng thời tước chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời hạn 9 tháng, bắt đầu kể từ ngày 20/11/2020.
Tại thời điểm thanh tra, Thanh Tra Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện phòng khám An Khang đã hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Dù vừa bị Sở Y tế “sờ gáy”, nhưng trong tháng 7/2021 khi thâm nhập thực tế, PV vẫn phát hiện phòng khám An Khang tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh một cách “lập lờ”. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến thời điểm này Sở Y tế Hà Nội vẫn im lặng, dù PV đã liên hệ đăng ký lịch làm việc và liên lạc trực tiếp với Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà?
Theo thông tin trên báo giới, được biết, trước đó chính bà Trần Thị Nhị Hà từng phụ trách công tác thẩm định, cấp phép hoạt động cho phòng khám An Khang.
Dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi: Y đức của phòng khám An Khang ở đâu khi quá trình hoạt động liên tục xảy ra các sai phạm nghiêm trọng? Ai đang đứng đằng sau các sai phạm của An Khang? Trước sự việc xảy ra liệu có tình trạng “thí tốt”, thu hồi chứng chỉ của một bác sĩ và phạt tiếp tục để tồn tại? Các sai phạm xảy ra tại An Khang có mang tính hệ thống?
Cũng với những nghi ngờ giống như phòng khám An Khang về việc không đảm bảo điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, giữa mùa dịch, Sở Y tế Hà Nội sau khi nhận được phản ánh đã nhanh chóng vào cuộc và kết luận những sai phạm là thật, và ban hành Quyết định số 3327/QĐ-SYT về việc thu hồi giấy phép hoạt động số 360/HNO-GPHĐ/CL1 cấp ngày 15/8/2019 đối với phòng khám 52 Nguyễn Trãi trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Nam học (địa chỉ tại số 52 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do ông Nguyễn Phương Hồng là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.