Trong khi đó, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tập trung canh tác theo hướng bền vững.
Đua nhau xuống giống cà phê
Thời gian qua, giá cà phê trong nước liên tục tăng cao, có thời điểm lên tới trên 135 ngàn đồng/kg. Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận do cây cà phê đem lại, nhiều nông dân đã đầu tư trồng mới hoặc phá bỏ cây khác để trồng cà phê.
Những ngày này, nhiều người dân ở huyện Chư Păh đang tất bật làm đất, đào hố chuẩn bị xuống giống cà phê.
Anh Pyul (làng A, xã Ia Mơ Nông) cho biết: Gia đình anh có gần 1 ha cao su. Giá mủ cao su bấp bênh nên gia đình quyết định phá bỏ để trồng cà phê. “Theo tôi, cà phê vẫn là cây trồng bền vững hơn nhiều loại cây khác.
Đặc biệt, chi phí đầu tư không cao và chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Hy vọng vài năm tới, giá cà phê vẫn giữ ổn định như hiện nay để người dân được hưởng lợi”-anh Pyul chia sẻ.
Người dân xã Ia Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) phá bỏ vườn chanh dây để trồng cà phê. Ảnh: L.N
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải (thôn 2, xã Nghĩa Hòa) đã phá bỏ vườn chanh dây để chuyển sang trồng cà phê.
Anh Hải cho biết: “Những năm trước, giá chanh dây tăng cao, gia đình cũng chạy theo để trồng. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, chanh dây lại rớt giá thê thảm khiến gia đình thua lỗ. Tôi quyết định trồng cà phê với hy vọng giá cả vẫn ổn định như bây giờ, đem lại nguồn thu nhập cao”.
Anh Nguyễn Bá Tài (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho hay: Gia đình hiện có gần 3 ha cà phê. Nhận thấy giá cà phê gần đây tăng cao nên gia đình mua thêm 1 ha đất để trồng. Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, dù giá cả có lên xuống thì gia đình vẫn quyết tâm đầu tư mở rộng diện tích. So với các loại cây trồng khác, cà phê tương đối dễ trồng và ít bị sâu bệnh hại.
Giá cây cà phê giống tăng cao nhưng vẫn khan hiếm
Gia Lai hiện có khoảng 100.600 ha cà phê, trong đó, 90.000 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân đạt trên 3,1 tấn nhân/ha, sản lượng hơn 281 ngàn tấn/năm.
Việc nhiều hộ dân đua nhau trồng mới, tái canh cà phê khiến giá cây giống tăng cao và khan hiếm nguồn cung.
Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết: Năm nay, Hợp tác xã ươm 20 vạn cây cà phê giống TRS1 và TR4, tăng 5 vạn cây so với mọi năm để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, do nhu cầu trồng mới tăng cao nên giá cà phê giống cũng cao gần gấp đôi so với những năm trước. Hiện giá cây giống cà phê ươm trong bầu nhỏ là 6-7 ngàn đồng/cây, còn bầu lớn 14-15 ngàn đồng/cây. Đến nay, Hợp tác xã đã hết hàng do khách đặt từ trước.
Còn bà Nguyễn Thị Quynh-Chủ cơ sở cây giống Phấn Tuyết (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi ươm 13 vạn cây cà phê giống. Ngay từ đầu vụ, nhiều thương lái đã đến đặt hàng với số lượng lớn. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hết cây giống”.
Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) kiểm tra bộ rễ cây cà phê giống tại vườn ươm. Ảnh: L.N.
Đang chọn cây giống để trồng, anh Nguyễn Văn Hào (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho hay: Gia đình anh có 1,5 ha cà phê.
Năm ngoái, thấy giá cà phê thấp và cây cũng già cỗi nên gia đình đã phá gần 1 ha để trồng 120 cây sầu riêng. Tuy nhiên, sau khi thấy giá cà phê tăng cao, gia đình quyết định trồng lại dù giá cây giống tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
“Tôi đang có nhu cầu mua khoảng 800 cây cà phê giống về trồng xen vào vườn sầu riêng. Chưa năm nào tôi thấy bà con đi mua giống cà phê nhiều như vậy.
Hy vọng giá cà phê vẫn giữ ổn định ở mức cao để gia đình có thêm thu nhập”-anh Hào chia sẻ.
Khuyến khích tái canh, phát triển bền vững
Liên quan đến việc tái canh cà phê, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Toàn huyện có khoảng 18.000 ha cà phê.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện sẽ tái canh khoảng 450-500 ha cà phê. Tuy nhiên, với tình hình giá cà phê tăng cao như hiện nay, diện tích tái canh dự kiến sẽ nhiều hơn so với kế hoạch.
“Huyện cố gắng duy trì diện tích cà phê trong khoảng 18.000 ha. Đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp thì khuyến khích tái canh.
Tuy nhiên, người dân không nên tái canh cùng một lúc mà thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo nguồn thu. Mặt khác, huyện cũng khuyến cáo người dân cần chủ động về nguồn nước tưới, tránh tình trạng bị khô hạn như thời gian qua”-ông Thắm thông tin.
Huyện Đak Đoa có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với khoảng 28.000 ha. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hàng năm, huyện sẽ thực hiện tái canh khoảng 300 ha trên diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả.
“Hiện nay, người dân đang ồ ạt xuống giống cà phê nhưng huyện không khuyến khích trồng mới mà chỉ nên tái canh, ổn định diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa chia sẻ.
Theo kế hoạch, hàng năm, toàn tỉnh thực hiện tái canh 2.000-2.500 ha cà phê. Để thực hiện tốt kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân tái canh và ghép cải tạo, sử dụng các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt đã được công nhận.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Cà phê là cây trồng chủ lực mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh với 490 triệu USD trong năm 2023. Hiện nay, giá cà phê tăng cao do nhu cầu thu mua của thế giới tăng.
Bên cạnh đó, cà phê của Gia Lai có chất lượng với độ đồng đều cao nên được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, tái canh là chủ trương của tỉnh để hướng đến phát triển bền vững ngành hàng cà phê.