Ngày 7/10, UBND huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã có văn bản về việc kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan đến việc sử dụng các nguồn kinh phí tại Phòng GD&ĐT huyện này gây thất thoát gần 1 tỷ đồng.
UBND huyện Chư Păh cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm và nghiêm khắc tự kiểm điểm rút kinh nghiệm, không để xảy ra vi phạm tương tự.
|
Trường THCS thị trấn Phú Hòa, một trong các đơn vị để xảy ra sai phạm tại huyện Chư Păh.
|
Ngoài ra, UBND huyện này đã phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Hồ Tất Đạt, Kế toán Phòng GD&ĐT huyện Chư Păh, hiệu trưởng và các viên chức kế toán của 20 trường học trực thuộc được giao tự chủ về kinh phí và yêu cầu không để xảy ra vi phạm tương tự.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Phòng GD&ĐT huyện Chư Păh và 20 trường học trên địa bàn giai đoạn 2017-2020.
Cụ thể, Phòng GD&ĐT huyện Chư Păh đã thanh toán một số khoản chi thường xuyên, khoản chi các chế độ, phụ cấp, tiền tăng giờ cho cán bộ quản lý trường học và giáo viên không đúng quy định. Đặc biệt, trong quá trình thi công xây dựng, sửa chữa các công trình, việc nghiệm thu, thanh quyết toán đã áp sai đơn giá, quyết toán thừa khối lượng… Tổng số tiền sai phạm hơn 691 triệu đồng.
Cũng giai đoạn trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện 20 trường học thuộc huyện Chư Păh thanh toán một số khoản chi thường xuyên và các khoản chế độ, phụ cấp, tiền tăng giờ cho cán bộ quản lý trường học và giáo viên không đúng quy định với tổng số tiền sai phạm hơn 281 triệu đồng.
Luật sư Vũ Tuấn - Văn phòng luật sư Hưng Việt cho biết,
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Păh và 20 trường học trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 có nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, các đơn vị có thể đã vi phạm một (hoặc một số) điều cấm quy định tại điều 18 Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
Đối với các khoản chi sai quy định, nếu chưa đến mức xử lý hình sự, có thể bị xử lý theo các quy định tại nghị định 63/2019/NĐ-CP, tuỳ vào mức độ và hành vi sai phạm có thể bị xử phạt tương ứng với các điều 54, 55, 56, 57 Nghị định này.
|
Luật sư Vũ Tuấn - Văn phòng luật Hưng Việt. |
Ngoài các mức xử phạt khác nhau tương ứng với từng hành vi vi phạm, điểm chung tại các điều trên đều có quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi các khoản đã chi từ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Mặt khác, nếu qua hoạt động thanh tra, điều tra xác định được cá nhân, chủ thể có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi vi phạm với lỗi cố ý cùng số tiền gây thiệt hại nêu trên thì tuỳ vào mức độ vi phạm, có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 360 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt có thể từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm cho đến phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.