Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2019, ngoài việc kế thừa Luật BV&PTR năm 2004, Luật Lâm nghiệp 2017 đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với bối cảnh của đất nước, như điều chỉnh về phân loại rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng… , trong khi đó Luật Đất đai được Quốc hội thông qua vào năm 2013 đến nay đã có điểm không còn phù hợp với thực tế nói chung và với Luật Lâm nghiệp nói riêng. Quốc hội đã có kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn quản lý lâm nghiệp Việt Nam, đồng thời tránh sự trồng chéo bất cập giữa 2 Luật...
|
Ảnh minh họa. |
Tóm tắt những bất cập chính giữa Luật đất đai và Luật lâm nghiệp qua kết quả rà soát sơ bộ
Khái niệm về "đất rừng", "đất lâm nghiệp"
Luật Đất đai sử dụng cụm từ "đất rừng" nhưng không có phần giải thích từ ngữ về "đất rừng" là gì?, cụm từ "đất lâm nghiệp" không được đề cập trong Luật Đất đai, nhưng Thông tư 28 quy định đất lâm nghiệp gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Theo văn bản này, "đất rừng" và "đất lâm nghiệp", về cơ bản, có nghĩa như nhau, có thể sử dụng thay thế nhau; tuy nhiên, suy diễn từ Luật Lâm nghiệp, "đất lâm nghiệp", không phải chỉ bao gồm đất rừng mà còn bao gồm đất xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản, vì lâm nghiệp bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Việc không quy định khái niệm "đất rừng" trong Luật Đất đai mà được điều chỉnh bằng văn bản dưới Luật nên hiệu lực pháp lý không cao, thậm chí có cách hiểu khác nhau về đất rừng. Thông tư 28 quy định đất đã giao, cho thuê để khoanh nuôi, bảo vệ nhằm phục hồi rừng bằng hình thức tự nhiên mà chưa đạt tiêu chuẩn rừng thì chưa thống kê vào đất lâm nghiệp mà thống kê theo hiện trạng (thuộc nhóm đất chưa sử dụng), trong khi đó, ngành lâm nghiệp vẫn thống kê vào đất lâm nghiệp chưa có rừng (như quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991: Đất lâm nghiệp gồm đất có rừng và đất không có rừng được quy hoạch để gây trồng rừng).
Khái niệm về "đất tín ngưỡng", "rừng tín ngưỡng"
Theo Luật Lâm nghiệp (Khoản 8 Điều 2), rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng (rừng ma, rừng thiêng...), trong khi đó theo Luật Đất đai (Điều 160), đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu,am, từ đường, nhà thờ họ. Như vậy, khái niệm rừng tín ngưỡng rộng hơn so với đất tín ngưỡng theo Luật Đất đai, ngoài các công trình còn bao gồm cả những khu rừng gắn liền với công trình.
Khái niệm về thửa đất, lô rừng
Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp quy định 2 đơn vị cơ sở khác nhau để thực hiện đo đạc, lập bản đồ, thống kê, kiểm kê đất và rừng. Theo quy định tại Luật Đất đai (khoản 1 Điều 3), thửa đất được định nghĩa "là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ", không có giới hạn về một diện tích nhất định nào; trong khi đó theo quy định của pháp luật lâm nghiệp Lô có diện tích khoảng 10 ha, có trạng thái rừng hoặc đất lâm nghiệp tương đối đồng nhất, cùng địa bàn trong cấp xã ( khoản 3 Điều 2 )
Tiêu chí rừng trồng
Theo thông tư 28, rừng mới trồng được coi là rừng, còn theo Nghị định 156 (Điều 5) thì phải đạt tiêu chuẩn thành rừng, dẫn đến chênh lệch về diện tích rừng trồng, kết quả là dẫn đến chênh lệch cả về diện tích rừng và độ che phủ rừng.
Khái niệm về cộng đồng dân cư và người đại diện cộng đồng đối với đất và rừng được giao
So với quy định tại Luật Đất đai (khoản 3 Điều 5), cộng đồng dân cư quy định
tại Luật Lâm nghiệp (khoản 24 Điều 2) không bao gồm cộng đồng dân cư theo dòng
họ. Ngoài ra, Luật Đất đai quy định rất rõ người đại diện cho cộng đồng dân cư, người
chịu trách nhiệm đối với diện tích đất đã giao cho cộng đồng dân cư (Điều 7, Điều 8),
trong khi đó Luật Lâm nghiệp không quy định người chịu trách nhiệm đối với diện tích đất đã giao cho cộng đồng dân cư.
Phân loại đất, phân loại rừng
Luật Lâm nghiệp quy định rừng tín ngưỡng (rừng ma, rừng thiêng...) thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Đất đai quy định đất tín ngưỡng thuộc đất phi nông nghiệp.Luật Lâm nghiệp quy định khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Đất đai quy định các loại đất này thuộc đất phi nông nghiệp.
Quy hoạch sử dụng đất, rừng
Luật Đất đai quy định quy hoạch sử dụng đất 03 cấp: quốc gia, tỉnh, huyện; kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm; trong khi đó, theo Luật Lâm nghiệp chỉ có quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia với thời gian là 10 năm, trong đó có nội dung định hướng phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở cấp quốc gia (Luật Quy hoạch quy định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia).
Giao đất, giao rừng
Đối tượng giao đất, giao rừng:
Luật Đất đai (Điều 137) quy định Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng, trong khi đó không có giải thích cụm từ “tổ chức quản lý rừng” là tổ chức nào? (có thể chỉ hiểu là ban quản lý rừng đặc dụng hay còn tổ chức khác?), trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 16) quy định cụ thể giao rừng đặc dụng cho từng loại chủ rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, và cả cộng đồng dân cư…).
Luật Đất đai (Điều 136) quy định Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tuy nhiên Luật Lâm nghiệp (Điều 16) quy định Nhà nước chỉ giao cho tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó (có giới hạn nhất định).
Luật Đất đai (Điều 135) quy định Nhà nước chỉ giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng. Cụm từ “tổ chức quản lý rừng” không có giải thích trong Luật, trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 16) quy định Nhà nước chỉ giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ chỉ được giao đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó, còn tổ chức kinh tế phải thực hiện thuê rừng. Gần đây Nghị định 01/2017/NĐ-CP mới bổ sung quy định Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Trình tự, thủ tục giao đất, giao rừng
Pháp luật về đất đai không quy định cụ thể trình tự, thủ tục giao đất có rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư . Trên thực tế đã xảy ra trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã được giao đất hoặc đã được công nhận quyền sử dụng đất có rừng nhưng chưa lập hồ sơ giao rừng hoặc đã được giao rừng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất. Nghị định 156, về cơ bản, đã tích hợp về trình tự, thủ tục giao đất quy định tại pháp luật về đất đai và trình tự, thủ tục giao rừng, đảm bảo giao đất thống nhất, đồng bộ với giao rừng.
Cho thuê đất, cho thuê rừng
Đối tượng cho thuê đất rừng đặc dụng, cho thuê rừng đặc dụng: Luật Đất đai (Khoản 5 Điều 137) quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng, trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 17) không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế chỉ có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng với ban quản lý rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Điều 75).
Đối tượng cho thuê đất rừng phòng hộ, cho thuê rừng phòng hộ:Luật Đất đai (Khoản 4 Điều 136) quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng, trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 17) không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế chỉ có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng phòng hộ với ban quản lý rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Điều 76).
Đối tượng cho thuê đất rừng sản xuất, cho thuê rừng sản xuất: Luật Đất đai quy định Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng (khoản 2 Điều 135), trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 17) không có quy định cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê rừng sản xuất, chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư trồng rừng thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp để được nhà nước giao đất trồng rừng.
Trình tự, thủ tục cho thuê đất, rừng
Pháp luật về đất đai không quy định cụ thể trình tự, thủ tục thuê đất có rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, Nghị định 156 đã tích hợp trình tự, thủ tục thuê đất gắn với trình tự, thủ tục thuê rừng.
Chuyển loại đất, rừng; chuyển mục đích sử dụng đất, rừng
Luật Lâm nghiệp (Điều 18) quy định về chuyển loại rừng (chuyển đổi giữa 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập; Chủ tịch UBND quyết định chuyển loại rừng còn lại sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng; trong khi đó Luật Đất đai không quy định rõ trường hợp này; việc chuyển đổi giữa các loại đất rừng (trong 03 loại đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) được thực hiện theo nhu cầu của chủ rừng mà không cần được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, rừng
Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất và rừng:
Theo quy định của Luật Đất đai (Điều 58), trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; dưới 20 ha thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; không quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đối với đất rừng sản xuất.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp (Điều 20), việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên thuộc thẩm quyền của Quốc hội, dưới 50 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên thuộc thẩm quyền của Quốc hội, từ 20 ha tới 50 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, dưới 20 ha thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên thuộc thẩm quyền của Quốc hội, từ 20 ha đến dưới 500 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, dưới 20 ha thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên thuộc thẩm quyền của Quốc hội, từ 50 ha đến dưới 1.000 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, dưới 50 ha thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc chuyển mục đích sử dụng rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Thống kê, kiểm kê, hệ thống thông tin về đất đai và rừng
Theo Luật Đất đai (Điều 34), thời gian thực hiện kiểm kê đất 05 năm một lần, trong khi đó theo Luật Lâm nghiệp (Điều 34) thời hạn kiểm kê rừng 10 năm một lần. Việc thống kê đất đai được tiến hành mỗi năm một lần, trong khi đó Luật Lâm nghiệp quy định không có thống kê rừng, thay vào đó thực hiện theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Mặt khác, quy định của 02 Luật về tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện kiểm kê đất và rừng cũng khác nhau.
Luật Đất đai (Điều 124) quy định hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai, Luật Lâm nghiệp (Điều 36) cũng quy định hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về rừng. Cả hai Luật đều không có quy định để kết nối thông tin và cơ sở dữ liệu giữa đất và rừng, cơ chế phối hợp cụ thể giữa 02 cơ quan đầu mối là cơ quan TN&MT và cơ quan NN&PTNT các cấp.
Quyền của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất, cho thuê rừng
Luật Đất đai (Điều 174) quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất rừng thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 79) quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất không có quyền chuyển nhượng rừng.
Quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, là chủ rừng
Luật Đất đai (Điều 179) quy định hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất trong hạn mức; đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (không hạn chế đối với rừng sản xuất là rừng trồng và có hạn chế đối với đất rừng phòng hộ), trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 14, 81) quy định hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ không được quyền cho thuê rừng, không được chuyển nhượng rừng.
Đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật đất đai để tương thích với Luật lâm nghiệp
Bổ sung một Khoản về "đất lâm nghiệp" vào Điều 3 của Luật Đất đai:
Đất lâm nghiệp là đất đang có rừng tự nhiên hoặc đang có rừng trồng đạt tiêu chí rừng; đất đang khoanh nuôi để phục hồi rừng; đất mới trồng rừng nhưng chưa thành rừng; đất đang trồng rừng hoặc đã giao, đã cho thuê để trồng rừng và diện tích đất trống trong ranh giới các khu rừng đã được quyết định loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động chế biến và thương mại lâm sản.
Bổ sung một Khoản về "đất rừng" vào Điều 3 của Luật Đất đai:
Đất rừng là các loại đất có tên gọi trùng với tên gọi của loại rừng tương ứng và ranh giới thửa đất rừng trùng với ranh giới phạm vi rừng được xác định theo quy định của pháp luật lâm nghiệp. Ví dụ, "đất rừng đặc dụng" là loại đất rừng mà trên đó có "rừng đặc dụng" theo quy định của Luật Lâm nghiệp, ranh giới thửa đất rừng đặc dụng trùng với ranh giới rừng đặc dụng trên đất do các cơ quan quản lý lâm nghiệp xác định.
Sửa đổi, bổ sung Điều 160 của Luật Đất đai như sau:
Điều 160. Đất tín ngưỡng
1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và đất rừng tín ngưỡng theo quy định của pháp luật lâm nghiệp.
2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng là đất phi nông nghiệp phải tuân thủ các quy định sau:
a) Đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Việc sử dụng đất rừng tín ngưỡng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp.
Bổ sung trường hợp chuyển đổi giữa 03 loại đất rừng vào Điều 57 và sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác tại Điều 57
Sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai như sau:
Chuyển đổi giữa 03 loại đất rừng gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang sử dụng vào mục đích khác ngoài lâm nghiệp.
Chủ sử dụng đất rừng được phép chuyển đổi giữa các loại đất rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp chỉ khi chủ rừng được phép chuyển đổi tương ứng giữa các loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng tương ứng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án đầu tư quy định tại Điều 58
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai như sau:
Đối với dự án có sử dụng đất chuyên trồng lúa nước (có số lượng vụ từ 2 vụ trở lên) và đất rừng vào các mục đích khác thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:
Nghị quyết của Quốc hội đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng phòng hộ biên giới từ 50 héc ta trở lên; đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;
Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng dưới 50 ha; chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 héc ta; đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; đất rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha;
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng phòng hộ biên giới, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; đất rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.
Sửa đổi, bổ sung việc Nhà nước giao, cho thuê đất rừng và sử dụng đất
Đề nghị bãi bỏ Điều 135, Điều 136 và Điều 137 và thay thế bằng một Điều mới quy định chung về đất rừng trong Luật Đất đai với nội dung như sau:
Bãi bỏ Điều 135, Điều 136 và Điều 137 của Luật Đất đai và thay thế bằng một Điều mới như sau:
Điều………. Đất rừng
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất rừng khi được Nhà nước quyết định giao loại rừng tương ứng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất khi được Nhà nước quyết định cho thuê loại rừng sản xuất tương ứng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Chế độ sử dụng các loại đất rừng được quy định phù hợp với chế độ sử dụng các loại rừng tương ứng theo quy định của pháp luật lâm nghiệp.
Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu rừng trong hệ thống thông tin lâm nghiệp
Bổ sung 1 Khoản mới vào Điều 34 và 1 Khoản mới vào Điều 122 trong Luật Đất đai với nội dung như sau:
Bổ sung 1 Khoản vào Điều 34 và 1 Khoản vào Điều 122 của Luật Đất đai về công khai các dữ liệu đất đai như sau:
Điều 34. Thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức công khai kết quả thống kê, kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất phục vụ thống kê, kiểm kê tài sản gắn liền với đất và các nhu cầu sử dụng khác.
Điều 122. Quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức cung cấp miễn phí thông tin đất đai nền cho các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý tài sản gắn liền với đất để xây dựng hệ thống thông tin tài sản trên đất
Sửa đổi, bổ sung đối với quyền của người sử dụng đất rừng
Bổ sung 1 Khoản mới sau Khoản 1 Điều 167 của Luật Đất đai với nội dung như sau:
Bổ sung 1 Khoản sau Khoản 1 Điều 167 của Luật Đất đai về hạn chế quyền giao dịch đối với đất rừng như sau:
Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
1. .........
2. Các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất rừng, cho thuê đất rừng sản xuất được thực hiện theo quy định về việc thực hiện các quyền này đối với người được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng sản xuất tương ứng theo quy định của pháp luật lâm nghiệp.
Kết luận và kiến nghị
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai tập trung vào việc làm rõ khái niệm về đất lâm nghiệp, đất rừng, đất rừng tín ngưỡng; các quy định về giao đất, giao rừng; cho thuê đất, cho thuê rừng; chuyển đổi giữa các loại đất rừng; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người được giao đất, giao rừng; được thuê đất, được thuê rừng và một số nội dung khác.
Cần tiến hành rà soát một cách chi tiết giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện 2 luật này; phát hiện những bất cập về các quy định giữa 2 luật này.
Cần tổ chức nghiên cứu, tham vấn tại một số địa phương có rừng, đại diện cho các vùng sinh thái của Việt Nam trên cơ sở đã có kết quả rà soát văn bản.
Xây dựng Báo cáo kết quả rà soát và khảo sát thực tế về những bất cập giữa 2 luật.
Đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp.