Cụ thể, những bất cập trong hai luật lâm nghiệp và đất đai đó là về: Số liệu báo cáo về sử dụng đất lâm nghiệp và rừng luôn chênh nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm về rừng và đất đai ở các địa phương; Quy hoạch đất lâm nghiệp luôn có vênh nhau và thiếu sự nhất quán ở các địa phương, dù quy hoạch này là cùng một thẩm quyền của HĐND và UBND các địa phương; Việc giao đất giao rừng đã trải qua cả quá trình dài, nhưng khi giao đất sau luật đất đai (nhất là sau 2003), thì tại rất nhiều địa phương đã không kế thừa những tài liệu cũ hoặc quá trình giao đất thì không kết hợp với giao rừng của ngành lâm nghiệp; Các cán bộ quản lý Lâm nghiệp và các chủ rừng luôn muốn có các quyết định sử dụng đất nhanh, trong khi đo đạc của ngành đất đai thì khá đắt đỏ và rất thiếu kinh phí để làm việc này.
|
Ảnh minh họa. |
Tiếp đó, là bất cập do cách hiểu khác nhau về rừng và về việc sử dụng đất rừng mà theo các quy định về đất đai đưa diện tích đất rừng sản xuất vào diện chịu thuế hay phải thuê đất… Trong khi đây là việc không khả thi vì rừng sản xuất chỉ là một thuật ngữ phân chia giữa 3 loại rừng; rừng sản xuất (cả nước là trên 8 triệu ha) không có nghĩa là rừng kinh doanh hoàn toàn, rừng sản xuất trước hết là rừng (mà rừng tồn tại vì chức năng phòng hộ, môi trường là chủ yếu), còn là sản xuất vì so sánh với rừng phòng hộ thì rừng sản xuất có thể cho phép tác động, cho phép khai thác thông thoáng hơn…
Ngoài ra, khi có những vi phạm về rừng và đất đai trên rừng thì thường cán bộ quản lý lâm nghiệp - Kiểm lâm là có mặt và xử lý, nhưng riêng Kiểm lâm sau năm 2003 không còn tự mình xử lý được mà phải có cán bộ quản lý đất đai trong rất nhiều trường hợp; trong khi cán bộ quản lý đất đai thì rất ít khi có mặt ở đó, kể cả việc phối hợp ở công sở cũng rất khó khăn, nếu không nói là rất chậm chạp.
Nguyên nhân dẫn đến những bất cập của hai luật lâm nghiệp và đất đai
Có những thời kỳ khác nhau có sự vênh nhau giữa 2 luật về các quy định trong luật hoặc giữa hướng dẫn thi hành luật của 2 ngành (nhiều các quy định có thể là cùng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ). Khi mà luật bảo vệ và phát triển rừng (2004) vẫn có hiệu lực thì luật đất đai sửa đổi lại không giao đất có rừng tự nhiên cho các hộ gia đình, cá nhân. Trong khi vốn dĩ các hộ gia đình cá nhân này từ lâu nay vẫn quản lý nó; Luật chúng ta nói “giao đất giao rừng”, nhưng thực chất với nhiều địa phương đây chỉ là một sự ghi nhận để Nhà nước quản lý tốt hơn những gì mà người dân vẫn quản lý…
Qua đó mà sự phối hợp với nhau giữa cán bộ của 2 ngành ở các địa phương là rất khó khăn, chưa kể là tâm lý của các cán bộ thì cán bộ ngành này sẽ ít chấp nhận thực hiện theo quy định của ngành kia, dù về nguyên tắc thì phải thi hành các quy định của cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền, dù không thuộc ngành mình phụng sự; Những bất cập giữa 2 luật có thể kể ra, như: Về quản lý rừng tự nhiên; Về quy hoạch đất và quy hoạch rừng; Về chủ đất và chủ rừng..
Có sự không hợp lý trong giao thoa về phạm vi điều chỉnh của 2 luật, thiếu rõ ràng và vì vậy rất khó nhất quán từ Quốc hội khi ban hành các luật; Luật đất đai không có mục đích sử dụng đất cho lâm nghiệp mà đưa luôn mục đích sử dụng đất đến 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất), quản lý luôn đất đã có rừng và đất trống để trồng rừng… Trong khi luật Lâm nghiệp đưa ra nội dung quản lý rừng theo 3 loại rừng từ lâu và có quy hoạch phát triển rừng cụ thể. Đất trống để phát triển rừng có thể bằng biện pháp tái sinh tự nhiên hoặc trồng mới rừng; Rừng tự nhiên với mục đích sản xuất nếu phát triển kém có thể chuyển sang biện pháp phát triển rừng khác là trồng rừng; Đất trống trong rừng đặc dụng có thể không được để cây gỗ tái sinh, không được trồng rừng mà phải để đất trống có cỏ để tạo môi trường cho loài động vật hoang dã móng guốc…
Việc quản lý đất và rừng gần như có cùng một đối tượng là đất rừng (có cùng một cách thức quản lý là lập bản đồ, có ranh giới, có ghi chép những gì có trên đất), nhưng 2 luật lại giao cho 2 ngành cùng quản lý và không rõ ràng trong các quy định về sự phối hợp; Ngành lâm nghiệp lâu nay được đào tạo làm việc này và đã làm việc này, nhưng sau luật đất đai lại có thêm ngành đất đai quản lý đất rừng, ngành lâm nghiệp chỉ quản lý rừng nhưng không thể quản rừng mà bỏ qua các công đoạn quản lý đất rừng… (Ở Canada, được hỏi về việc này, các cán bộ ngành đất đai nói: Việc quản lý đất rừng ở Canada hầu như được giao cho cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp quản lý).
Đề nghị xem xét điều chỉnh và ranh giới phạm vi giữa các luật
Quốc hội cho xem lại về phạm vi điều chỉnh và ranh giới phạm vi điều chỉnh giữa các luật, nhất là giữa các luật chuyên sâu, chuyên ngành; Không riêng gì sự bất cập giữa 2 luật này (Lâm nghiệp và Đất đai) mà còn có sự bất cập giữa rất nhiều luật.
Có nhất thiết luật đất đai phải điều chỉnh việc sử dụng đất rừng đến 3 loại rừng, đến quản lý đất rừng với quản lý đất trống giao để trồng rừng… mà thay vào đó giao cho cơ quan quản lý lâm nghiệp quản lý những nội dung đó. Thay vì mục đích sử dụng đất theo 3 loại rừng, luật đất đai chỉ cần giao mục đích sử dụng là đất lâm nghiệp.
Việc đo đạc đất rừng giao cho cơ quan quản lý lâm nghiệp quản lý theo nhu cầu của quản lý rừng và đất rừng. Không nhất thiết phải quá tốn kém cho việc đo đạc đất rừng như đất đô thị hay đất ruộng… Việc giao đất giao rừng cho chủ quản lý sử dụng nên thống nhất ở 1 cơ quan là lâm nghiệp thì việc quản lý sẽ trở nên đơn giản và khả thi…
Đề nghị các cơ quan chức năng về xây dựng luật chú ý lắng nghe để thấu hiểu các khó khăn của những người thực thi các văn bản quy phạm pháp luật này.