Tình trạng "đất chật người đông” kèm theo giá cả tăng vọt ở các thành phố lớn trên thế giới khiến nhiều người phải sống trong những căn hộ siêu nhỏ, chỉ vài mét vuông nhưng có giá thuê rất đắt đỏ, có thể lên tới vài trăm đô/phòng.
Hồng Kông
Bất cứ ai đến Hồng Kông cũng thấy đây là một thành phố giàu có. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng đó, trong lòng Hồng Kông vẫn có những nơi ở chật hẹp đến mức giật mình. Nhiều người nghèo ở Hồng Kông vì không đủ tiền để thuê phòng rộng nên phải chấp nhận sống trong những “căn nhà quan tài”. Đây là những căn phòng với diện tích chỉ đủ cho… một người nằm ngủ.
Nhiều người nghèo tại đây buộc phải sống qua ngày trong những "căn nhà lồng" xếp chồng lên nhau, còn các chủ nhà mặc sức “hét” giá thuê trên trời. Thực chất, “căn nhà lồng” chỉ là… một chiếc giường đơn, xung quanh được bọc lại bằng rào sắt, không gian nhỏ đến mức chỉ đủ để kê gối và đặt vài thứ lặt vặt phục vụ sinh hoạt. Được biết, có những người Hồng Kông đã sống trong tình cảnh này hàng chục năm. Điều đáng nói, họ phải trả hơn 200 USD mỗi tháng tiền thuê “nhà”.
Người thuê nhà tại đây thuộc đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Do có mức thu nhập thấp, họ gần như không còn sự lựa chọn nào khác. Diện tích những buồng ngủ chỉ khoảng 1,5 m2. Một căn hộ rộng khoảng 37m2 có thể được chia nhỏ để chứa gần 20 chiếc giường 2 tầng.
Giá thuê nhà tại Hồng Kông ở mức cao kỷ lục, trung bình vào khoảng 1.380 USD/m2. Một người có thể phải bỏ ra 300 USD cho một căn nhà “quan tài" rộng chỉ 1m x 2m. Theo Cục Điều tra Dân số và Thống kê Hồng Kông, năm 2015 có khoảng 200.000 người sống trong 88.000 căn hộ chia nhỏ như thế này.
Hông Kông là một trong những nơi có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo trầm trọng nhất thế giới. Đây là thành phố có giờ làm việc dài nhất và giá thuê nhà cao nhất. Tiền thuê nhà tại đây đã tăng gần 25% trong vòng 6 năm, trong khi giá nhà đất tăng hơn 300% so với thập kỷ trước. Giá nhà ở Hông Kông 10 năm liền nằm trong danh sách đắt đỏ nhất thế giới.
Chính quyền Hông Kông đã thông báo kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà ở dành cho người có thu nhập thấp trong thập kỷ tới. Theo đó, đến năm 2027, đặc khu này sẽ có thêm 280.000 căn nhà ở xã hội và 180.000 căn nhà riêng. Hiện gần 300.000 đã nộp đơn đăng ký nhà ở xã hội. Với số lượng này, một người phải đợi trung bình… 4,7 năm mới có được nhà.
Nhật Bản
Nếu như ở Hông Kông, những người nghèo phải sinh sống trong “nhà quan tài” thì ở Nhật Bản, những người có thu nhập thấp lại coi “nhà con nhộng” là lựa chọn tối ưu.
Khách sạn con nhộng (Capsule hotel) đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động tại Osaka từ hơn 40 năm trước. Cho tới nay, hình thức khách sạn giá rẻ này đã ngày càng phát triển và được nhiều người ưa chuộng. Nhiều khách lưu trú tìm tới đây không phải dân du lịch mà là những người có thu nhập thấp, họ tới đây chỉ để... kiếm 1 chỗ ngủ qua đêm.
Những căn nhà "con nhộng" này thường được xếp chồng lên nhau, mang lại cảm giác giống với những chiếc giường tầng tại kí túc xá sinh viên. Trong những "con nhộng" này, không gian vô cùng chật hẹp nên bạn chỉ có thể ngồi hoặc nằm. Ngay cả tủ quần áo trong những “con nhộng” này cũng cực kì nhỏ, chỉ có thể để được từ 2-3 bộ mà thôi.
Ở Nhật Bản, hàng xóm của bạn trong khu nhà ở "con nhộng" có thể là bất kì ai, từ những người đang thất nghiệp, người lao động thu nhập thấp hay những người làm ca đêm nhỡ chuyến xe về nhà. Do điều kiện kinh tế eo hẹp nên họ không còn lựa chọn lưu trú nào khác ngoài “ổ nhộng” bí bách này.