Trong năm 2022, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam tắt mạng 3G diện rộng với quy mô 35.000 trạm. So với thế giới, Viettel là một trong số ít nhà mạng triển khai tắt sóng 3G.
Việc tắt sóng 2G và 3G giúp nhà mạng đơn giản hóa mạng lưới, tối ưu hạ tầng để phát triển công nghệ mới, tối ưu chi phí vận hành khai thác, bổ sung tài nguyên tần số cho mạng 4G để nâng cao chất lượng trong bối cảnh lưu lượng và nhu cầu sử dụng dữ liệu 4G ngày càng lớn.
Lợi ích khi tắt mạng 2G, 3G
3G và 2G là các công nghệ mạng nằm trong kế hoạch dừng cung cấp tại Việt Nam. Từ cuối năm 2020, Viettel thử nghiệm tắt sóng 2G/3G ở một số khu vực thuộc TP.HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp...
Đại diện doanh nghiệp này cho biết đang tích cực chuyển các thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ hoạt động trên mạng 4G đạt 75% tổng số thuê bao. Đến năm 2023, nhà mạng này đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G, đạt khoảng 99% dân số để sẵn sàng tắt sóng 2G.
Từ cuối năm 2020, MobiFone đã thí điểm tắt sóng 2G tại một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, VNPT cho biết từ đầu năm 2021 đã chủ động tắt gần 2.000 trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp.
VNPT còn triển khai các chương trình hỗ trợ smartphone tại Hóc Môn, Củ Chi, mới đây tại Bạc Liêu và Vĩnh Long. Kết quả, tổng số thuê bao chuyển đổi từ 2G sang 3G/4G đạt khoảng 1,9 triệu.
|
Một trạm phát sóng 5G của Viettel. Ảnh: Ngô Minh.
|
Đầu năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo MobiFone và VNPT thí điểm tắt sóng 63 trạm 2G tại một số khu vực trên địa bàn. Sau khi đề xuất đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), tỉnh Lạng Sơn được cấp phép thí điểm triển khai mạng 5G, tuy nhiên chưa phát sóng vì đang xin giấy phép.
Một số địa phương khác như TP Đà Nẵng cũng chủ động đặt kế hoạch thí điểm dừng sử dụng 2G. Nhiều nơi đã đề xuất thử nghiệm 5G tại địa phương để xây dựng nền tảng hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Sóng 2G chủ yếu hoạt động ở băng tần dưới 1 GHz, điển hình như dải tần 850, 900, 1.800 hoặc 1.900 MHz. Tại Việt Nam, sóng 4G đang phải chia sẻ băng tần 1.800 MHz với 2G, ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ của 4G. Nếu được giải phóng, tốc độ mạng của 4G có thể tăng thêm 25% so với hiện tại.
Kế hoạch tắt sóng 2G sẽ nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone và tham gia dịch vụ số. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng phê duyệt.
"2G đã hoàn thành sứ mệnh"
Theo Cục Viễn thông (Bộ TTTT) tính đến tháng 7, Việt Nam có 125,7 triệu thuê bao di động, trong đó khoảng 11,7 triệu thuê bao không dùng smartphone hoặc không kết nối dữ liệu trên smartphone. Để đạt điều kiện tắt sóng 2G, số thuê bao sử dụng 2G phải xuống mức 5%.
Ngày 27/9, Bộ TTTT có văn bản số 4833/BTTTT-CVT về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Theo đó, tháng 9/2024 là thời điểm phù hợp bởi đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
|
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Việt Hùng.
|
Bộ TTTT yêu cầu các doanh nghiệp di động triển khai giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G, phấn đấu đến cuối năm 2023 còn dưới 5% thuê bao 2G. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để tắt sóng công nghệ cũ.
Kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi tắt sóng 2G, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
“Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu vào cuối năm 2019, thời điểm Bộ công bố phương án tắt sóng 2G.
Điều kiện tắt sóng 2G
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho rằng quyết định tắt sóng công nghệ cũ phụ thuộc vào chiến lược của Bộ TTTT, nhu cầu khách hàng và chiến lược của nhà mạng. Do vậy, kế hoạch cần có sự giải quyết hài hòa, tối ưu giữa 3 bên để vừa bảo đảm quyền lợi của khách hàng, hiệu quả của các nhà mạng và quan trọng là đáp ứng chiến lược phát triển của đất nước.
Để đạt điều kiện triển khai tắt sóng 2G, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng điện thoại di động chỉ sử dụng mạng 2G/3G. Nổi bật nhất là Thông tư 43/2020/TT-BTTTT, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, nêu rõ điện thoại di động phải sử dụng công nghệ E-UTRA (4G).
Trường hợp điện thoại di động tích hợp công nghệ W-CDMA FDD (3G) hoặc GSM (2G) phải tuân thủ thêm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại phụ lục. Các sản phẩm thiết bị điện thoại di động chỉ có tính năng 2G, 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
|
Tốc độ trong một lần thử nghiệm mạng 5G của Vinaphone, tại trung tâm thành phố Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh.
|
Dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện các dòng điện thoại 2G nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch với giá rẻ, không đảm bảo chất lượng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình tắt sóng 2G của Việt Nam.
Để triển khai thành công kế hoạch dừng công nghệ 2G theo lộ trình của Bộ TTTT, VNPT đề xuất Bộ và các nhà mạng truyền thông rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về định hướng, lộ trình kế hoạch tắt sóng 2G, góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của chương trình đến khách hàng, thúc đẩy chuyển đổi thiết bị di động 2G.
Các doanh nghiệp sản xuất điện thoại trong nước chung tay chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G bằng các chương trình cung cấp smartphone giá rẻ. Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, VNPT đề xuất các nhà mạng thống nhất thời điểm dừng toàn bộ công nghệ 2G trên toàn quốc, không phát triển thuê bao 2G mới.
Nằm trong chương trình phổ cập smartphone, Bộ TTTT đã triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Các nhà mạng sẽ trợ giá smartphone 500.000 đồng/máy cho các thuê bao di động thuộc đối tượng viễn thông công ích theo quy định của Bộ.