Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết trong năm tài chính vừa qua (tính từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017), người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.
Trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng.
Và từ năm 2007, Việt Nam đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm trừ 2009 và 2012 chiếm 1%. Số tiền mua nhà đổ vào ngày càng mạnh, khi năm nay tăng gấp 3 lần so với năm ngoái là 1 tỷ USD (1%).
Trao đổi trên báo Thanh niên, TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của LHQ, cho biết ông không hề ngạc nhiên về con số 3 tỷ USD, bởi đây là con số đáng tin cậy dựa trên điều tra của các công ty làm địa ốc bên Mỹ. Họ biết rõ ai mua và đến từ đâu.
|
Việt Nam là quốc gia mua nhà liên tục đứng trong top 10 ở Mỹ nhiều năm qua. |
Theo ước lượng của ông, tiền từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài đã tăng nhiều so với các năm trước, có thể lên đến 8 - 9 tỷ USD/năm trong những năm gần đây.
Trước đây, vào năm 2015, TS Vũ Quang Việt từng chỉ ra con số giật mình: 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài bất hợp pháp trong 6 năm, từ 2008 - 2013.
Ông cho biết việc chuyển tiền ra nước ngoài rất dễ với hai cách. Cách thứ nhất, các lãnh đạo ở doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, khi nhập hàng từ nước ngoài có thể đòi hỏi công ty nước ngoài mở tài khoản ở nước ngoài, rồi bỏ tiền vào tài khoản đó.
Việc này khiến hai bên cùng có lợi: Công ty nước ngoài có thể bán hàng, và tiền bôi trơn được tính vào giá bán; còn lãnh đạo công ty có nơi cất giấu tiền ở nước ngoài mà không ai trong bộ máy giám sát hay biết.
Cách này cũng áp dụng cho các hợp đồng tư vấn, những người Việt Nam được chi trả ở tài khoản nước ngoài vì làm “tư vấn” cho nước ngoài.
Cách thứ hai cho những người hoạt động "cò con" hơn (kể cả những gia đình làm ăn đàng hoàng) muốn chuyển tiền ra nước ngoài, là thông qua công ty chuyển tiền, tiền nhận được là đô la ở Mỹ, tiền phải đưa là tiền chuyển cho gia đình những người ở nước ngoài muốn chuyển tiền về Việt Nam. Như thế, tiền không phải qua ngân hàng và không bị kiểm soát.
Trong khi đó, cũng trên báo này, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM nhận định số tiền 3 tỷ USD chỉ là một phần trong hoạt động chuyển tiền "ngầm" ra nước ngoài. Trên thực tế số tiền có thể lớn hơn nhiều vì còn sử dụng để chi cho nhiều hoạt động khác như du học, du lịch, mua sắm...
Đa số, người Việt mua nhà ở Mỹ thông thường có con là du học sinh tại đây nên sẽ được phép đứng tên sở hữu. Vì vậy số tiền chuyển đi có thể được thực hiện qua nhiều cách, trong đó một phần qua đường chính thức cho chi phí ăn ở du học và cả thẻ tín dụng. Nhưng phần lớn vẫn chuyển qua các dịch vụ kiều hối với mức phí phổ biến 1%.
TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bài viết trên báo Tuổi trẻ đặt ra câu hỏi về việc đã đến lúc chú ý về những cơn sóng ngầm di cư của những người giàu, những doanh nhân thành công tại Việt Nam.
"Lý do nhiều doanh nhân muốn ra đi là gì? Họ tìm thấy những cơ hội kinh doanh tốt hơn ở nước ngoài? Hay họ có mối lo dần lớn, cảm thấy không yên tâm về môi trường kinh doanh và làm ăn hiện nay?
Họ lo lắng về sự đi xuống của chất lượng môi trường sống? Hay họ muốn con cái và gia đình tương lai sau này thụ hưởng cuộc sống có chất lượng giáo dục và môi trường tốt hơn?...", ông Tuấn đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Dẫn thông tin Việt Nam đã nằm trong top 10 quốc gia di cư nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) cho biết từ năm 1990 đến 2015, có trên 2,55 triệu người Việt di cư ra nước ngoài (trung bình mỗi năm gần 100.000 người), TS Đậu Anh Tuấn cho rằng, bhững người giàu ra đi thực sự là điều cần quan tâm và đã đến lúc cần thống kê.
"Doanh nhân, người giỏi cần một môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng phải ổn định và an toàn. Tài sản, sản nghiệp của họ phải được đảm bảo chắc chắn. Việt Nam hơn lúc nào hết cần cải cách hệ thống tư pháp mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền tài sản của người dân, không hình sự hóa các giao dịch kinh tế - dân sự.
Các chính sách phải nhất quán, thống nhất, không thể để tình trạng một ngành hàng đang kinh doanh thuận lợi nhanh chóng rơi vào bĩ cực vì chính sách thay đổi.
Không chỉ là nơi để kinh doanh, muốn Việt Nam là một chốn sống yên bình thì cần phải bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn xã hội. Giáo dục và y tế cần phát triển cũng là nhiệm vụ cấp bách", ông Tuấn bày tỏ.