Khoảng 61% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát về chỉ số niềm tin người tiêu dùng, do Nielsen thực hiện, cho biết dành tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm, cao hơn hẳn so với mức 48% của toàn cầu.
Trong báo cáo công bố ngày 20/5, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cũng cho biết, giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt hiện nay.
Khi nói đến mức độ tiết kiệm, Việt Nam giữ mức cao nhất trên toàn cầu, với tỷ lệ 78%.
|
Khách hàng đến giao dịch tại một chi nhánh của Agribank. 61% người Việt tham gia cuộc khảo sát gửi tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm. Ảnh minh họa. |
Theo ông Vaughan Ryan, tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, thay đổi chi tiêu để tiết kiệm chi phí gia đình của người tiêu dùngViệt vẫn ổn định ở mức cao kể từ quý II/2014.
Tương tự như quý trước, hơn 8 trong 10 người tiêu dùng Việt Nam (86%) đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của họ trong vòng 12 tháng qua, để tiết kiệm chi phí gia đình. Bởi có hơn 50% người tiêu dùng nghĩ rằng, đất nước đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế tại thời điểm này.
Hơn 3 trong 5 người tiêu dùng Việt đã cắt giảm chi tiêu vào việc mua quần áo mới (62%) và đã cố gắng tiết kiệm chi phí điện và ga (61%). Hơn một nửa số người tiêu dùng đã cắt giảm các chi phí giải trí gia đình (57%).
Bên cạnh đó, 2 trong số 5 người tiêu dùng đã trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ (46%) và việc thay thế các mặt hàng gia dụng lớn (44%).
Mặc dù hầu hết người tiêu dùng Việt đang ưu tiên cho để dành tiền tiết kiệm, nhưng khảo sát này cũng cho thấy rằng, sau khi trang trải chi phí sinh hoạt, gần một nửa người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho các mục lớn, như du lịch dịp lễ và nghỉ hè (44%), mua các sản phẩm công nghệ mới (40%, tăng 6% so với quý trước).
Với những biến chuyển đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý I/2015 tiếp tục cải thiện đáng kể. Điều này đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 có mức độ lạc quan nhất trên toàn cầu, với chỉ số 112 điểm, tăng 6 điểm so với quý trước. Đây là số điểm cao nhất kể từ quý II/2010.