Trong khi dư luận đang không ngừng xôn xao việc một số nhãn hiệu mì, miến ăn liền có xuất xứ từ Việt Nam “dính” lùm xùm liên quan đến chất cấm ethylene oxide bị tìm thấy trong sản phẩm của mình khi xuất sang thị trường châu Âu (EU) thì mới đây, một thương hiệu mì ăn liền khác đến từ Hàn Quốc cũng vừa bị cơ quan quản lý thực phẩm EU “tuýt còi”.
|
Loại mì ăn liền của hãng Nongshim có xuất xứ từ Hàn Quốc bị phát hiện có chứa chất cấm ethylene oxide tại thị trường EU |
Hãng tin Korea Times đưa tin về việc chất ethylene oxide gây ung thư được tìm thấy trong những thùng mì ăn liền hải sản mang thương hiệu Nongshim's Seafood Ramyun xuất sang thị trường châu Âu. Hãng sản xuất mì ăn liền lớn nhất Hàn Quốc là tập đoàn thực phẩm Nongshim đã ngay lập tức cho thu hồi toàn bộ sản phẩm đang có mặt tại thị trường rộng lớn này để tiến hành điều tra nguyên nhân gây nên tình trạng “nhiễm bẩn” trong sản phẩm của họ.
Ủy ban quản lý Hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng thực phẩm châu Âu (RASFF) cũng đã công bố thông tin về việc phát hiện chất ethylene oxide trong sản phẩm mì ăn liền hiệu Nongshim tại thị trường Đức. Phát ngôn viên của RASFF cho biết, các lô hàng mì ăn liền này được sản xuất vào ngày 27/1 và 3/3/2021.
“Sau khi phân tích, nồng độ của ethylene oxide trong các sản phẩm này được tìm thấy là từ 5.0 đến 7.4 ppm tùy theo từng mẫu sản phẩm trong khi theo tiêu chuẩn của EU thì không được phép quá 0.05 ppm. Điều đó có nghĩa là sản phẩm mì ăn liền của Nongshim có độ nhiễm bẩn cao hơn 148 lần so với mức độ cho phép của EU”, thông báo của RASFF nêu.
Ngay sau khi có kết quả phân tích, RASFF đã ra lệnh thu hồi các sản phẩm mì ăn liền Nongshim's Seafood Ramyun có thời hạn sản xuất vào 2 mốc thời gian như đã nêu ở trên ra khỏi kệ hàng trên toàn bộ thị trường EU. Những lô hàng thuộc các hạn sản xuất khác vẫn được cho phép lưu thông như bình thường.
“Chỉ có các lô hàng được sản xuất vào ngày 27/1 và 3/3 là bị ngưng tiêu thụ trên thị trường EU do tìm thấy chất ethylene oxide”, một phát ngôn viên của công ty Nongshim cho biết, và nói thêm rằng, những sản phẩm mì ăn liền của họ đang lưu hành tại thị trường nội địa ở Hàn Quốc “là không có vấn đề gì”.
|
Các sản phẩm mì ăn liền của hãng Nongshim (Hàn Quốc) được bán khá phổ biến tại châu Âu - Ảnh: Min News |
Thông thường thì sản phẩm mì ăn liền dành cho xuất khẩu có hạn sử dụng lên đến 1 năm trong khi sản phẩm phục vụ thị trường nội địa có hạn sử dụng chỉ trong vòng 6 tháng.
“Các sản phẩm mì ăn liền sản xuất trong giai đoạn tháng 1 và tháng 3/2021 cho thị trường Hàn Quốc đến nay đều đã hết hạn sử dụng”, một cán bộ quản lý của công ty Nongshim nói với hãng tin Korea Times.
Tại Trung Quốc nơi mì ăn liền của hãng Nongshim chiếm thị phần khá lớn đối với phân khúc mì gói nhập khẩu, người tiêu dùng cũng tỏ ra hoang mang lo lắng về tính an toàn của sản phẩm đến từ Hàn Quốc này. Hashtag với từ khóa “Mì ăn liền Nongshim có chứa chất gây ung thư” tràn ngập trên mạng xã hội Weibo cùng với những lời phàn nàn, yêu cầu giải thích và bồi thường từ cư dân mạng.
“Mì ăn liền hương vị hải sản Nongshim bán tại Trung Quốc là khác với loại mì cùng thương hiệu bán tại thị trường EU. Vì vậy, khách hàng không cần phải lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm này”, một đại lý dịch vụ khách hàng của hãng Nongshim tại Trung Quốc nói với tờ Global Times.
Mì ăn liền của hãng Nongshim được sử dụng rất phổ biến không chỉ ở thị trường nội địa tại Hàn Quốc (chiếm 50% thị phần) mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ở nước ngoài, trong đó có châu Âu.
|
Các sản phẩm mì ăn liền mang thương hiệu Nongshim nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được bày bán tại Việt Nam |
Tại Việt Nam, các sản phẩm mì ăn liền mang thương hiệu Nongshim có thể dễ dàng được tìm thấy tại các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi với nhiều mẫu mã và hương vị khác nhau.
Hiện chưa có thông tin nào về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm mì ăn liền mang nhãn hiệu Nongshim đang được bày bán tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, sản phẩm mì tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland do phát hiện có chất ethylene oxide (không được phép sử dụng tại châu Âu). Sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương cũng bị thu hồi tại Na Uy do gặp vấn đề tương tự.
Viện nghiên cứu ung thư quốc tế (ICRI) phân loại ethylene oxide là hóa chất độc hại thuộc nhóm 1 do khả năng gây ung thư của nó; vì vậy, chất này không có trong danh mục phụ gia thực phẩm cũng như không được phép sử dụng trực tiếp vào thực phẩm.