Làm giàu ở nông thôn: Với 7.000m2 trồng kiểng, lão nông có 2 tỷ/năm

Google News

Không bằng lòng với việc làm thuê, ông Dành quyết định tìm tòi, học hỏi, chuyển vườn cây tạp hiện có sang trồng hoa kiểng.

Vươn lên từ gian khó
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, ông Nguyễn Văn Dành (tổ 4, khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) phải đi làm thuê khắp nơi. Không bằng lòng trước hoàn cảnh trên, ông quyết định chuyển vườn cây tạp (7.000m2) sang trồng hoa kiểng.
Lam giau o nong thon: Voi 7.000m2 trong kieng, lao nong co 2 ty/nam
Ông Nguyễn Văn Dành bên vườn hoa kiểng của mình. Ảnh: HUỲNH XÂY 
“Lúc đó, tôi tìm mọi cách để vươn lên và nghề tôi chọn là trồng hoa kiểng (năm 1982). Cùng với sự cần cù, chịu khó, tôi rất may được sự giúp đỡ của bạn bè, được mời tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân, ngành khuyến nông và được tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, kiến thức dần được nâng lên” – ông Dành nói.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh hoa kiểng, ông Dành có doanh thu khoảng 5,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng/năm. Đến nay, ông đã nhận được 4 bằng khen của cấp thành phố. Hàng năm, ông đều nhận được giấy khen do các hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp tiêu biểu... ở cấp quận, phường.
Ông Nguyễn Văn Dành vừa được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.
Theo phóng viên tìm hiểu, lúc bắt đầu vào nghề trồng hoa kiểng, ông Dành sản xuất mai vàng, nguyệt quế, vạn niên tùng, vạn thọ, cúc… Do chưa thành thạo, kinh nghiệm chưa cao nên thời gian này, việc sản xuất hoa kiểng vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra, sản phẩm bán ra với giá thấp. Tuy nhiên, ông vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục kiên nhẫn, chịu khó.
Để khắc phục tình trạng trên, thay vì bán hoa kiểng bình thường, ông quyết định tạo dáng các loại kiểng để bán với giá trị cao hơn. Ông Dành nhớ lại: “Để có được cây kiểng với dáng đẹp như thế này, tôi đã phải mất nhiều thời gian nghiên cứu qua sách vở, nhờ thầy cô Trường ĐH. Cần Thơ giúp đỡ cũng như ở các lớp dạy nghề khác. Sau khi học tạo dáng thành công, tôi có thể làm cho giá trị cây kiểng từ vài triệu đồng tăng lên hơn 10 triệu đồng”.
Nhờ cố gắng làm ăn, đời sống của gia đình ông phát triển nhanh chóng. Hiện nay, gia đình đang sở hữu hàng trăm cây hoa kiểng các loại, đặc biệt có hơn 500 cây kiểng cổ. Mỗi ngày, ông phải thuê hàng chục lao động để chăm sóc, vận chuyển.
Nhận thấy nghề làm hoa kiểng cho thu nhập ổn định, hơn nữa điều kiện tự nhiên ở địa phương thuận lợi nên từ năm 2007, ông Dành đã vận động được 12 hộ dân lân cận thành lập câu lạc bộ sản xuất hoa kiểng Bình An. Với sự hỗ trợ của ông, câu lạc bộ dần phát triển. Đến năm 2008, câu lạc bộ được nâng lên thành hợp tác xã (HTX) sản xuất hoa kiểng Bình An do ông Dành làm chủ nhiệm. Hiện nay, HTX trên có đến 23 thành viên, tổng diện tích sản xuất là 23ha.
Luôn đổi mới
Hiện nay, HTX sản xuất hoa kiểng Bình An không ngừng được mở rộng và luôn đổi mới. “Tôi luôn vận động hội viên dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng hoa kiểng sao cho tươi, đẹp nhất. Vì vậy, tay nghề của các hội viên nơi đây là khỏi phải chê. Tôi cũng luôn tìm hiểu các giống mới để mua đem về trồng thử nghiệm, nhân rộng. Trung bình, mỗi năm, tôi hỗ trợ từ 200-500 cây hoa kiểng mới các loại cho bà con trong HXT có nhu cầu”.
Ngoài thi đua sản xuất, chí thú làm ăn, ông Dành còn là một gương sáng ở địa phương. Ông luôn dành thời gian quý báu của mình để vận động các hộ dân trong và ngoài HTX đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất để xây dựng nông thôn. Cụ thể, ông đã vận động bà con hiến 14.900 m2 đất để làm đường (ngang 4m, dài 1km) đi qua khu vực HTX, vận động lắp đèn chiếu sáng công cộng (tổng kinh phí là 38 triệu đồng).
Khi phóng viên hỏi, việc vận động bà con đóng góp trên có gặp khó khăn gì không, ông Dành vui vẻ nói: “Người dân ở đây tin tôi lắm nên cũng không khó lắm. Tôi chỉ nói, việc làm đường giao thông sẽ giúp cho bà con dễ đi lại, vận chuyển hoa kiểng dễ dàng, nhanh chóng, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch và đẹp là ai cũng đồng ý góp”.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Dành cho biết, sẽ tìm cách đưa HTX phát triển mạnh hơn nữa, tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm để không phụ lòng bà con gần xa đã ủng hộ HTX.
Ông Dành chia sẻ: “Mặc dù đã lớn tuổi nhưng ý chí tôi vẫn còn trẻ, tôi sẽ luôn luôn học hỏi và giúp HTX vươn lên, làm giàu trên mảnh đất thửa ruộng của quê hương, hỗ trợ cho địa phương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trước thách thức của thời tiết ngày càng khó khăn, nhu cầu của xã hội ngày càng lớn, tôi cũng như HTX cần chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.
Theo Huỳnh Xây/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)