“Khi ấy mỗi cân quả tươi chỉ có giá 2 nghìn đồng khiến người dân chặt bỏ hàng loạt nhưng tại Nhật Bản, loại quả này sau khi chế biến lại có giá rất cao nên tôi bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 45”.
Đó là chia sẻ của bà Bùi Thị Kim Liên (SN 1969), trú tại xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) về hành trình khởi nghiệp với thứ quả quê từng có giá rẻ như cho ấy.
Bà Liên sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Động (Hưng Yên) rồi lên Mộc Châu (Sơn La) làm công nhân nhà máy chè. Gần 20 năm gắn bó với Mộc Châu, cuộc sống không mấy khá giả nên đến năm 1998, bà cùng gia đình chuyển vào Đà Lạt sinh sống, lấy tiền mua đất trồng cà phê.
“Cà phê những năm 2000 lại dần thoái trào, cuộc sống khó càng thêm khó. Vợ chồng tôi phải giật gấu vá vai, bươn trải để từng tước xây dựng cuộc sống ở nơi ở mới”, bà Liên kể.
Khởi nghiệp ở độ tuổi trung niên, bà Liên đã thành công với hồng treo gió tại Đà Lạt.
Tham gia công tác của Hội phụ nữ xã, bà Liên nhận thấy cuộc sống của các hội viên còn gặp nhiều khó khăn. Đất đai rộng mênh mông lại phì nhiêu, trồng cây gì cũng cho năng suất. Đặc biệt, ở nơi này trồng rất nhiều hồng trứng và hồng vuông, năm nào cũng rất sai quả, ăn ngon nhưng giá lại rẻ như cho.
“Giá hồng bán lẻ chỉ 2 nghìn đồng/kg. Thu hoạch xong, trừ công đi hái thì người trồng thu lại chẳng bõ bèn gì nên người dân tiến hành chặt bỏ ồ ạt. Thấy vùng nguyên liệu bị chặt phá nhiều nên TP. Đà Lạt mời chuyên gia từ Nhật Bản về mở lớp dạy chế biến quả hồng thành sản phẩm hồng treo gió”, bà Liên nói.
Trước khi chuyên gia Nhật Bản về dạy, bà Liên được giao nhiệm vụ vận động người dân đi học nhưng lớp học mãi không đủ người, bà đành tự đăng kí cho mình vào danh sách học viên theo học.
Vừa tạo thu nhập cao cho bản thân, bà Liên còn góp phần tăng giá trị của quả hồng tại Đà Lạt.
Trước khi dạy, vị chuyên gia Nhật Bản đã đưa cho mỗi học viên 1 quả hồng sấy được mang từ xứ sở của đất nước mặt trời mọc. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Chuyên gia này còn cho biết, 1 quả hồng này bán với giá 45 nghìn đồng, tương đương với 20kg hồng tươi của Đà Lạt khi đó khiến tất cả học viên đều sửng sốt.
Hoàn thành khoá học, bà Liên bắt tay vào làm hồng treo gió tại nhà. Những mẻ hồng đầu tiên bà mang cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp ăn thử và ai cũng thích vì ngon, lạ. Nhiều người bắt đầu liên lạc với bà để mua hồng treo gió để ăn, tiếp đãi bạn bè, đối tác và làm quà.
Ngoài làm hồng treo gió, bà Liên còn tiến hành làm hồng sấy dẻo.
Thấy tiềm năng của hồng treo gió, bà Liên quyết định đầu tư 600 triệu đồng để mua đất mở xưởng sản xuất, làm nhà kính, mua sắm máy móc, thiết bị làm hồng treo gió quy mô lớn. Đồng thời, xưởng sản xuất của bà cũng mở cửa cho khách du lịch tham quan, tìm hiểu thực tế quy trình sản xuất hồng treo gió.
Hồng treo gió của bà làm ra đến đâu được thu mua hết đến đó với giá cao. Dần dần, khách ngày một đông, xưởng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường nên bà quyết định đứng ra thành lập hợp tác xã (HTX), vận động chị em phụ nữ vùng trồng hồng cùng tham gia, mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm.
Xưởng sản xuất hồng treo gió của bà Liên còn đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu quy trình làm sản phẩm.
HTX được thành lập với 40 thành viên, mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau. Hàng năm, HTX đứng ra mua hồng nguyên liệu và tổ chức sản xuất với giá cao hơn thị trường từ 3-4 nghìn đồng/kg, lên mức trên 20 nghìn đồng/kg, nâng cao giá trị quả hồng tại vùng trồng.
Từ xưởng nhỏ, bà Liên cùng các thành viên HTX đã tiến hành mở rộng xưởng sản xuất ra 2 xưởng lớn, mỗi xưởng rộng hơn 200m2 với số tiền đầu tư hơn 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động.
Từ việc gọt hồng, nhiều chị em phụ nữ có thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/ngày.
“Mùa làm hồng treo gió từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 9-15 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, mùa làm hồng treo gió vào đúng lúc nông nhàn của bà con nên rất đông chị em đến gọt hồng với giá 3.500 đồng/kg, trung bình thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/người/ngày, kỷ lục có chị làm được hơn 1 triệu đồng/ngày”, bà Liên cho hay.
Mỗi năm, xưởng sản xuất của bà Liên cung cấp ra thị trường từ 8-10 tấn hồng treo gió tự nhiên và hồng sấy dẻo.
Với giá bán lẻ từ 350-385 nghìn đồng/kg hồng treo gió và từ 200-250 nghìn đồng/kg hồng sấy dẻo, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường từ 8-10 tấn hồng thành phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, HTX thu về trên 400 triệu đồng/vụ.
Là một trong những người đầu tiên mở xưởng sản xuất hồng treo gió tại TP. Đà Lạt, khởi nghiệp ở độ tuổi 45 nhưng bằng sự khéo léo, chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, bà Liên không những có thu nhập cao mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần giữ vững vùng nguyên liệu tại địa phương.