|
Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 3.000 - 5.000 đồng. |
Mới đây nhất, Grab ra thông báo thực hiện phụ thu do thời tiết nắng nóng, từ ngày 6/7. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 đồng với mỗi chuyến xe GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Còn mức phụ thu này với dịch vụ GrabExpress là 3.000 đồng một đơn hàng.
Tại các thị trường khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... phụ thu thời tiết nắng nóng với các dịch vụ GrabBike và GrabFood đều là 5.000 đồng. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.
Theo lý giải của Grab, mức phụ thu này nhằm hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng. Đây cũng là ứng dụng gọi xe đầu tiên áp dụng chính sách phụ thu thời tiết nắng nóng như vậy. Thông thường, các hãng gọi xe chỉ áp dụng phụ phí vào dịp Tết Âm lịch với mức từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng hay phụ phí ban đêm cho mỗi đơn hàng, chuyến xe.
Tuy nhiên, cách lý giải này đương nhiên không thể làm hài lòng những người sử dụng dịch vụ của Grab, đặc biệt khi nhìn vào cách “gã khổng lồ” này đối xử với đội ngũ tài xế, vốn là đối tác của họ trong suốt nhiều năm qua. Cái gọi là “hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế” trên thực tế chỉ là “phông bạt”.
Ai cũng thừa hiểu, khi chiết khấu vẫn thu đủ 30%, các loại phí Grab gần như hưởng cả, chỉ có khách hàng và tài xế chịu thiệt. Bởi “phụ phí nắng nóng” hay “phí cuốc xe ban đêm” Grab đưa ra với lí do hỗ trợ tài xế nhưng hãng cũng cộng thẳng vào cước mỗi cuốc xe. Cách làm này khiến các tài xế không được hưởng toàn bộ mức phụ phí này mà vẫn phải ăn chia với Grab ở tỉ lệ 7 - 3 với mức chiết khấu hiện nay. Chỉ duy nhất mức phí “xe chờ quá 5 phút” là đối tác tài xế được nhận 100% số tiền. Tuy nhiên mức phí này thường không xảy ra thường xuyên.
Còn nhớ, cách đây không lâu, một làn sống phản đối Grab đã bùng lên dữ dội trên quy mô rộng khắp tại nhiều TP lớn trên cả nước. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Grab tăng tỉ lệ chiết khấu một cách vô lý khiến cho những “đối tác” của họ là đội ngũ tài xế thật sự “chịu không có nổi”.
Lần này, cái gọi là “phụ thu nắng nóng” mà Grab đưa ra đã hướng mục tiêu thẳng vào người tiêu dùng, không khác gì cái cách họ nhắm vào đội ngũ tài xế trước kia. Rõ ràng, bằng cách này hay cách khác, Grab vẫn tìm cách “bóc lột” người dùng qua các loại phí và “bóc lột” sức lao động của tài xế, khi họ được hưởng rất ít từ các loại phụ phí nhưng lại phải chạy xe vất vả trên đường.
Với việc nắm giữ số lượng lớn đối tác tài xế, Grab gần như thống trị và “độc quyền” trong lĩnh vực gọi xe công nghệ qua ứng dụng hiện nay. Đặc biệt là trong các giờ cao điểm hoặc trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi. Nhờ thế, Grab muốn tăng cước bao nhiêu thì tăng, gần như không theo một quy tắc nào. Và người dùng để di chuyển bắt buộc phải chọn các chuyến xe từ Grab có giá cước cao này.
Chừng nào thế độc quyền của Grab vẫn còn tồn tại thì chừng đó người tiêu dùng và đội ngũ tài xế của Grab vẫn sẽ phải chấp nhận những chính sách phi lý mà hãng này đưa ra. Chỉ có một cách duy nhất là tất cả cùng nhau tẩy chay Grab, nói không với độc quyền của Grab. Thế nhưng, đây là câu chuyện nói thì dễ, mà làm lại không hề dễ chút nào.