Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ phẫn nộ vì phải mua bán cổ phiếu như một người mù, các chỉ số trên bảng điện tử hoàn toàn sai lệch so với thực tế. Một số người còn lo ngại trong những phiên kẹt sàn, lệnh mua bán nếu phải xử lý bằng tay và có thể có sự không minh bạch. Không biết lệnh nào sẽ được lựa chọn và lệnh nào sẽ bị để lại.
Để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, HoSE đề nghị các Công ty chứng khoán hạn chế hủy, sửa lệnh.
Tuy nhiên các nhà đầu tư không đồng ý, họ cho rằng đây là vi phạm luật bởi Luật Chứng khoán quy định được phép sửa, hủy lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục. Việc không cho hủy, sửa lệnh trên HoSE là một quyết định ảnh hưởng rất nặng đến thị trường. Điều này gây tâm lý hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh.
Nhà đầu tư chứng khoán cũng đặt câu hỏi về năng lực quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch TP.HCM khi để xảy ra hàng loạt sự cố?
|
Ảnh minh họa. |
Được biết, tình trạng nghẽn kẹt trên sàn chứng khoán HoSE càng trở nên tồi tệ từ đầu tháng 6 và kéo dài nhiều tháng qua.
Ngay sau khi quyết định ngừng giao dịch phiên chiều trên sàn HoSE ngày 1/6, trả lời trước báo giới, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HoSE cho rằng, ngày 2/6 Hose trở lại giao dịch bình thường.
Tuy nhiên, lời hứa của ông Lê Hải Trà đã được làm rõ ngay trong phiên giao dịch sáng ngày 2/6. Sau khi HoSE mở cửa không bao lâu, lượng giao dịch tiếp tục mạnh mẽ, các dấu hiệu nghẽn lệnh, “đơ” sàn lại xuất hiện. Không chỉ bảng điện tử của 1 hay 2 sàn thành viên mà rất nhiều sàn khác nhảy loạn nhịp, lệnh đặt mua/bán của nhà đầu tư từ sàn thành viên vào hệ thống của HoSE rất chậm.
Đáng nói, đây là câu chuyện đã nhắc tới nhiều lần. Trước đó, vào tháng 3 ông Trà cũng lên tiếng cho rằng cần 100 ngày để giải quyết nghẽn hệ thống của HoSE.
Trước đó, tại phiên chiều ngày 22/1/2018, tất cả lệnh giao dịch tại đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) đối với toàn bộ các mã chứng khoán niêm yết HoSE không thể thực hiện được. Sở sau đó phải tạm ngừng giao dịch trong 2 ngày kế tiếp (23-24/1/2018).
Thời điểm này, ông Lê Hải Trà cũng từng khẳng định, hệ thống giao dịch của sở từng được sử dụng tại Sở giao dịch chứng khoán Chicago và Thái Lan có “chất lượng tốt, ổn định”.
Theo ông Trà, HoSE cũng bảo trì đầy đủ và nhiều lần nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Thời điểm xảy ra sự cố với phần mềm, số lượng lệnh mà hệ thống của HoSE xử lý mới chiếm khoảng 25% năng lực hệ thống.
Thế nhưng, sau những lần hứa từ phía HoSE, đến chiều 22/12/2020 và 17/12/2020 nhà đầu tư tiếp tục tỏ ra bức xúc khi sự cố tắc nghẽn chứng khoán vẫn xảy ra liên tục trên sàn HoSE, bảng điện tử có nhiều thời điểm gần như "đóng băng".
Lúc này, ông Lê Hải Trà lại khẳng định, quy trình thực hiện của hệ thống giao dịch của HoSE diễn ra hoàn toàn bình thường, không ghi nhận bất kỳ lỗi nào liên quan đến các tiến trình trong việc khớp lệnh.
Trong diễn diễn biến liên quan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6/2021 quyết định thanh tra hành chính tại sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch tại TP.HCM.
Hệ thống hiện tại của HoSE đang dùng lại của Thái Lan, chuyển giao từ khi mở thị trường cách đây 21 năm. Hệ thống giao dịch của HoSE có công suất thiết kế là 900.000 lệnh, hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các Công ty chứng khoán.
Trong đó, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại phân bổ cho Công ty chứng khoán theo 2 vòng. Vòng 1, phân bổ đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh. Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được phân bổ dựa theo số lệnh trong quá khứ của từng công ty và toàn thị trường. Cách phân bổ này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành.