Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong tháng 1/2024, đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đối với 12 dự án.
Tổng vốn đầu tư mới và vốn tăng vào các khu công nghiệp trong tháng 1, đạt trên 381 triệu USD đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đạt trên 51% kế hoạch năm 2024 và trên 871 tỷ đồng (tương đương 37,8 triệu USD) đối với thu hút đầu tư trong nước (đạt 43% kế hoạch năm).
Trong 12 dự án, có 11 dự án vốn FDI (gồm 5 dự án FDI cấp mới), tổng vốn đầu tư trên 150 triệu USD; điều chỉnh 6 dự án FDI tăng vốn với tổng vốn tăng trên 230 triệu USD. Ngoài ra, có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn trong nước trên 871 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, 10 dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào tỉnh Đồng Nai, thuộc các tập đoàn: Hyosung (Hàn Quốc) với hơn 2,2 tỷ USD, Formosa (Đài Loan) gần 1,64 tỷ USD, SMC (Nhật Bản) gần 670 triệu USD, Bosch hơn 530 triệu USD, Nestlé hơn 500 triệu USD…
Tổng vốn đầu tư của các tập đoàn trên vào Đồng Nai là gần 7,19 tỷ USD.
|
Nguồn vốn FDI là động lực lớn để kinh tế Đồng Nai phát triển. (Ảnh: Xuân Thọ) |
Tập đoàn Hyosung bắt đầu đầu tư vào Đồng Nai vào năm 2007, với dự án đầu tiên có tổng số vốn hơn 1 tỷ USD. Đến năm 2015, tập đoàn này đầu tư thêm dự án thứ hai với tống vốn 600 triệu USD. Đến nay, Tập đoàn Hyousung không ngừng mở rộng, nâng cấp dự án cũ, đầu tư thêm dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ USD.
Sớm hơn Hyosung, Tập đoàn Formosa bắt đầu đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2001, tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch III (huyện Nhơn Trạch) với lĩnh vực là sản xuất các loại sợi nhân tạo, hạt polyester, dệt, nhuộm, chế biến sợi; sản phẩm đa số xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một “ông lớn” khác cũng đã đầu tư vào Đồng Nai được khoảng 10 năm đó là Tập đoàn SMC, lĩnh vực là sản xuất các thiết bị điều khiển tự động như các loại xi lanh, van, cụm van, đế van…
Đến tháng 10/2023, Công ty TNHH SCM Manufacturing Việt Nam đã đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư vào Đồng Nai lên đến gần 670 triệu USD. Doanh nghiệp này cũng đang thuê đất để xây dựng nhà máy mới, dự kiến hoạt động trong năm nay.
Đáng chú, Tập đoàn Nestlé, khi 3/4 số nhà máy tại Việt Nam nằm ở các khu công nghiệp của TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, lĩnh vực hoạt động là sản xuất, chế biến các loại cà phê để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong nhóm 10 nhà đầu tư FDI vào Đồng Nai, còn có Tập đoàn Lixil với khoảng 441 triệu USD; Tập đoàn Bosh với hơn 530 triệu USD…
Để thu hút các dòng vốn FDI khủng, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động mời gọi, quảng bá, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh này, đều phát triển tốt.
Một điều nữa đáng ghi nhận đó là các tập đoàn FDI lớn, khi đầu tư vào Đồng Nai, còn đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết trong nước chuyển đổi sang sản xuất xanh.