Trong vài năm trở lại đây, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có số vốn đăng ký khủng lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, gây nghi ngờ, thắc mắc trong dư luận.
Liên tiếp xuất hiện "siêu" doanh nghiệp
Dư luận đang ngạc nhiên, xôn xao trước việc một doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập với số vốn 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD) tại TP.HCM.
Siêu doanh nghiệp này đăng ký trụ sở chính tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower (số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Về lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính là lập trình máy vi tính, ngoài ra có làm thêm dịch vụ liên quan đến in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
|
Một doanh nghiệp đăng ký số vốn hành lập 500.000 tỷ đồng ở TP.HCM. Trụ sở của doanh nghiệp này đặt tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 đường Hải Triều, Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Zing) |
Sự kiện này khiến nhiều người nhớ lại sự xuất hiện của một "siêu doanh nghiệp" ở Hà Nội. Hồi cuối tháng 2/2020, dư luận xôn xao về thông tin xuất hiện một doanh nghiệp Hà Nội có vốn điều lệ đăng ký lên tới 6,3 tỷ USD (tương đương 144 nghìn tỷ đồng).
Theo Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội) cấp ngày 17/1/2020, doanh nghiệp có vốn “khủng” này là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco.,JSC).
|
Trụ sở của siêu công ty có vốn 144 nghìn tỷ đồng từng gây xôn xao dư luận ở Hà Nội. (Ảnh: Zing) |
Doanh nghiệp có trụ sở tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, Việt Nam. Tên người đại diện theo pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Nơi đăng ký hộ khẩu và chỗ ở hiện tại là: Cụm 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, Việt Nam.
Thông tin trên cổng Đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, đây là một doanh nghiệp đa ngành với hoạt động kinh doanh khá dàn trải, từ xây dựng cho đến lắp đặt, môi giới đấu giá hàng hóa, bán buôn đồ dùng gia đình, vận tải; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất…và cả giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động bệnh viện. Trong đó, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất.
Thế nhưng, sau khi báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì sự thật được phơi bày, khi đây chỉ là số vốn đăng ký ảo. Theo lý giải của 1 cổ đông, khi làm thủ tục đăng ký thành lập công ty, một cổ đông đang "say rượu" nên mới có con số khổng lồ như vậy.
Sau đó không lâu, một trong ba cổ đông tham gia thành lập doanh nghiệp đã cùng luật sư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội để làm việc về hủy bỏ việc thành lập công ty.
Trước nữa, tại tỉnh Sóc Trăng, công an đã điều tra, làm rõ vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến Công ty CP Đầu tư thế giới Thiên Cổ Tự.
Công ty này do 2 cá nhân thành lập với số vốn điều lệ đăng ký lên tới 2.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập, doanh nghiệp không góp vốn điều lệ, không báo cáo kinh doanh và kê khai thuế theo quy định.
Dù vậy, 2 cá nhân nói trên đã quảng cáo nhiều dự án bất động sản, kêu gọi người góp vốn đầu tư nhưng thực sự các dự án này đều không có. Bằng cách đánh bóng hình ảnh thông qua lượng vốn "khủng", nhóm đối tượng đã chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của những người đầu tư.
"Hét" vốn ảo, bị phạt thế nào?
Thực trạng không ít doanh nghiệp đăng ký vốn ảo khi thành lập làm dấy lên câu hỏi, nếu doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xác định là khai "khống" thì sẽ bị xử lý thế nào?
Từng trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải góp đủ số tiền đã đăng ký trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ bị xử lý. Cụ thể, nếu sai phạm sẽ bị xử phạt và buộc khắc phục hậu quả bằng cách đăng ký lại đúng số vốn thực tế.
Mức phạt theo vị này là Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp doanh nghiệp không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng kí có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều luật sư cho rằng, mức phạt như hiện nay là quá nhẹ đối với những trường hợp cố ý làm trái, cố tình khai khống vì mục đích trái pháp luật.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM nói: "Đối với những trường hợp đăng ký vốn ảo không gây hậu quả thì không sao. Nhưng có nhiều trường hợp đăng ký số vốn “khủng” chỉ để làm đẹp hồ sơ, đánh bóng tên tuổi nhằm trục lợi, thì hậu quả sẽ khôn lường. Tôi cho rằng cần phải tăng mức phạt cho hành vi đăng ký vốn ảo hoặc xử phạt nặng nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng mức xử phạt 10 - 20 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe”.
Do đó, theo các luật sư, cần có nhiều khung hình phạt khác nhau, với những doanh nghiệp được thành lập nhằm hoạt động phạm pháp thì cần tăng mức phạt để ngăn chặn tệ nạn này.
Trong Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Tại Khoản 7, Điều 8, Luật Doanh nghiệp 2014, quy định rõ nghĩa vụ của Doanh nghiệp: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.